Vương Gia Marxism

Chương 5: Đánh giá lại tình hình



Trại binh Sơn Lĩnh.

Đây là khu hẻo lánh phía Tây của thành Hà Tĩnh. Đồn binh này án ngữ nẻo đường thông qua đất Trấn Tĩnh (Đông Khammuane), Lạc Biên (Nam Khammuane) nay thuộc Lào.

Không phải không có lý do mà Cán Gàn bỏ ra cả trăm lượng vàng để đưa cho thày hắn là Vũ Trọng Bình lo lót cái chức Đồn Trưởng này.

Cán Gàn đóng quân ở đây bóp nghẹt con đường buôn muối lậu của các tổ chức hắc bang ở Hà Tĩnh. Muốn qua đây trước phải đóng thuế cho Cán rất nặng, mà không phải ai cũng có thể qua, chỉ các thế lực thuần phục Trần gia mới được “hợp tác” làm ăn mà thôi.

Nhưng công việc làm ăn béo bở này làm sao Cán nuốt trôi được? Các tay quan to trong tỉnh không đè Cán ra mà gõ sao?

Muốn gõ mà gõ không nổi nơi này to nhất là Tổng Đốc An – Tĩnh vừa là thầy vừa là "đối tác làm ăn" của Cán. Thế lực của Cán rất mạnh, không phải muốn gõ là gõ được.

Thêm vào đó cứ cho là Cán mở đường cho người qua đất Khmer buôn bán cũng chưa chắc ai cũng đủ gan đi qua.

Bên đất Khmer lúc này rất loạn, tuy nói Trấn Tĩnh và Lạc Biên là hai vùng do Đại Nam quản nhưng đó chỉ là danh nghĩa. Nơi này người Khmer khởi nghĩa liên tục, từ thời vua Minh Mạng thì Đại Việt đã khó quản nơi đây.

Các toán giặc cướp người Khmer, người Việt hoành hành khắp chốn, triều đình cử quân đi dẹp chỉ là tốn công tốn của.

Cho nên Đại Nam lúc này đặt cơ cấu quản lý ở hai nơi này chỉ mang tính hình thức. Tức là quân đội và các Trưởng Trấn chỉ nằm trong thành , quản lý trong thành, ngoại vi bên ngoài thành Trấn Tĩnh, Lạc Biên chính là thiên đường của giặc cướp, tội phạm.

Thử hỏi môi trường như vậy mấy ai dám qua buôn bán. Mang hàng qua đó thì dễ thôi, vớt được mạng để trở về mới khó.

Chỉ có Trần Gia người đông thế mạnh, thậm chí bọn cướp bên Trấn Tĩnh, Lạc Biên nghe danh Trần gia đội cũng phải khiếp vía nhường đường.

Ý là Trần gia có thực lực thật sự, cho nên bọn hắn vừa là thương nhân, vừa là hắc bang long đầu ở Hà Tĩnh, do đó gõ Trần gia chưa chắc gõ nổi. Mà gõ xong thì ai qua Trấn Tĩnh, Lạc Biên kiếm tiền?

Một khi chưa có thế lực hắc bang đủ mạnh thay thế Trần Gia thì các quan viên có thèm muốn miếng thịt mỡ này cũng phải nhịn xuống, cùng ngồi bàn bạc chia phần với Cán.

Đây cũng là nguyên nhân vì sao cao cao tại thượng Tổng Đốc An- Tĩnh lại có đệ tử kiểu như Cán Gàn vậy. Khúc mắc nơi này nếu nhìn qua thì khó hiểu nhưng đi sâu vào thì lại cực dễ hình dung. Tóm lại một câu đó là lợi ích mà thôi.

Nhưng có điều nếu chỉ có nhà họ Trần thì cũng khó ăn trọn “thị phần béo bở” này.

Bên cạnh họ Trần còn có họ Hồ, đại thương gia giàu có nhất đất Hà Tĩnh.

Chính xác, Hồ gia là thương nhân đích thực, mối làm ăn của Hồ gia trải khắp ba miền Đại Nam, thậm chí Hồ gia còn có thương đội buôn bán tận Đại Thanh.

Nói về tiền thì Trần gia không lại với Hồ gia, nhưng nói về lực lượng hắc bang thì đất này Trần gia nếu đứng thứ hai thì không ai dám đứng thứ nhất.

Sự kết hợp Hồ- Trần đã có từ nhiều đời, thông hôn hai bên đều đặn không đứt quãng…

Không hiểu Trần gia rất lâu trước có bí mật gì đó nhưng thực tế về võ lực bọn này luôn rất mạnh.

Họ Hồ có tiền nhưng cũng không thể biến nổi tiền đó thành sức mạnh võ lực. Ban đầu họ Trần cũng chỉ là địa chủ vùng phía Tây thành Hà Tĩnh, có tiền đôi chút nhưng không quá giàu có. Bất quá trong giới giang hồ luôn có chỗ đứng rất cao cho Trần gia.

Do vậy sự kết hợp Hồ- Trần là một lẽ tất yếu, khi một bên có tiền cần võ lực, một bên thừa võ lực, có danh tiếng giang hồ nhưng tiền không nhiều.

Nhiều năm qua Trần Gia như tay đấm của Hồ gia vậy, nhận tiền làm việc. Nhưng dần dà Trần gia có tiền, lại đầu tư võ lực cho nên ngày càng mạnh.

Đến lúc này Hồ Trần tuy hai mà một tuy một mà hai. Các mối làm ăn ở Hà Tĩnh là Trần gia quản, mối làm ăn ngoại tỉnh là Hồ gia quản. Trần gia thì cấp võ sĩ, hộ vệ cho cả hai mối làm ăn này. Hợp tác siêu cấp vui vẻ.

Hồ Trần hai nhà như vậy bao trọn cái đất Hà Tĩnh một khe không lọt, đây có thể nói điển hình của cường hào địa phương. Ngay cả triều đình muốn đụng vào họ cũng phải cân nhắc một phen, huống hồ chỉ bằng mấy tên quan tép riu hàng ngũ lục phẩm địa phương?

Thời này là Cán Ca cưới Hồ thị có mụn con đầu lòng là Trần Thị Kim Lựu con gái cả , năm nay đã tròn 16 tuổi mới gả đi xứ Nghệ cho một “thế gia” hắc bang bạn thân của Cán.

Con thứ hai của Hồ Thị chính là San thiếu gia năm nay 14 tuổi rưỡi.

Hồ Thị mất khi San thiếu mới tròn 6 tuổi , cái chết của thị cả hai nhà Hồ- Trần dấu tiệt nguyên nhân, cho nên cả San và Lựu đều được biết là mẹ tai nạn xe ngựa vong mình thôi.

Riêng cậu San đã có mối rồi, vẫn là con gái họ Hồ gọi San là anh họ. Năm nay cô bé cũng mới chỉ 7 tuổi, còn lâu mới đến lúc cưới gả. Nhưng quan hệ Hồ- Trần có thể thấy rõ đấy… đời đời không dứt được.

Lúc này trước doanh trại Sơn Lĩnh, một đám kỵ sĩ ập đến , khí thế hung hăng càn quấy.

Vậy nhưng đám lính canh trại không có dám hó hé một câu nào, bởi lẽ con chiến mã cao to đang dẫn đầu kia cả đất An – Tĩnh chỉ có ba thớt, mà ai là chủ nhân thì bọn họ đều dây không được.

“Cha ta có ở trại không?”

Mấy tên lính gác trại lật đật mở cổng trại thì kẻ ngồi trên ngựa cất tiếng hỏi vọng xuống.

Không phải ai khác, đây chính là cậu San rồi. Chỉ có điều sao giữa trưa nắng mà cậu bịt kín cả mặt mũi thế kia? Không sợ nóng hun chết à.

“ Thưa cậu, ông đang trong trại ạ”

Tên lính gác đáp, giọng niềm nở.

Nói là quân doanh, nhưng thực tế đây toàn là người nhà họ Trần, cho nên bọn chúng lấy “ông” và “ cậu” để xưng mà không gọi chức vụ của Cán Đội Trưởng.

“ Tốt… canh gác cho tốt, thưởng cho mi , đi mua ít rượu cho mấy anh em uống”

Cậu San móc hầu bao ném xuống mấy đồng tiền, tên lính vui vẻ cảm ơn cậu rối rít dang tay vồ lấy xâu tiền lẻ. Đúng là cậu San , ra tay luôn hào phóng.

Bước nhanh vào trong trại, San quen thuộc rảo bước đến trướng của Cán gàn, hắn đã bỏ khăn che mặt nên lính tráng nhận ra, cả đám chào cậu mà cũng không đi thông báo Cán Gàn. San tự do ra vào nơi đây đã là chuyện bình thường.

“Lũ người Tây khốn kiếp này dám như vậy mạo phạm uy nghiêm Đại Nam ta?”

Chưa bước lại gần thì San đã nghe bên trong vang tiếng quát tháo của Cán Gàn cùng tiếng đập bàn ầm ĩ.

Thấy vậy San dừng lại đôi chút, nhẹ bước chân mà tiến, bản năng nghe lén của mật vụ lại trỗi dậy.

“ Hài..................” Tiếng thở dài của ai đó vang lên, đây là người đang nói chuyện cùng Quang Cán.

“ Triều đình thối nát, đám quan lại tham lam ô hợp, vua thì yếu nhược thiếu quyết đoán... chỉ có gần ba ngàn quân man di cũng không dám đánh lại. Ngược lại để cho chúng huênh hoang ngạo mạn tiến lên bờ chiếm được Mĩ Thị và Cẩm Lệ ở Đà Nẵng. Lúc này ngoại bang khí thế như rồng chuẩn bị đánh vào Kinh rồi” tiếng của người đàn ông kia vang lên.

San giật mình.

Đây không phải lời đại nghịch bất đạo ư? San hắn cũng chẳng ngại gì chửi mắng triều đình phong kiến hủ bại, bởi hắn là người hiện đại xuyên qua. Nhưng lời này thốt ra từ miệng của một người cổ thì rất có vấn đề.

San đồ chừng khả năng cao đây chính là đám kích động nhà họ Trần làm loạn. Nếu vô cớ thì chẳng bao giờ một tên Thương nhân xã hội đen như Cán lại muốn trầm mình xuống vũng bùn sâu chính trị cả. Việc tạo phản không phải ai cũng có thể làm , không có chỗ dựa không có tư bản, một tên hào phú của một Tỉnh sao dám to gan tạo phản?

Có kẻ ngu cũng hiểu, muốn đảo chính xác suất khó bao nhiêu, ví như Cán Gàn là con cháu thế tộc, hoàng thân quốc thích hay di tộc tiền triều thì còn nói thông. Một tên võ quan thất phẩm, giang hồ, thương nhân như Cán, ai cho hắn cái ảo tưởng có thể đảo chính thành công cả một đế quốc Đại Nam?

Phải có nguyên do, và San đang tìm cái nguyên do này.

“ Hồ Văn ca, ngài không nên nói những lời này. Triều đình có vấn đề thì thân trượng phu như chúng ta có trách nhiệm gánh lấy, đỡ lấy, giúp vua làm việc. Những lời đại nghịch này Hồ Văn ca về sau đừng nói ra, tai vách mạch rừng , họa sát thân đó”

San thiếu vểnh tai mà nghe, không ngờ Cán Gàn lại có thể nói được mấy lời lọt nhĩ, ý là mấy lời này không có giống như một tên Trần Quang Cán sẽ dựng cờ khởi nghĩa phản triều đình.

“ Cán Đại Đầu. Hồ Văn tôi kính ngài là một anh hào của xứ này cho nên thẳng thắn. Triều đình này đúng là không dùng được, cần thay mới , vua này đúng là...”

Bang....

Tiếng vỗ bàn vang lên...

“ Dừng... Hồ Văn ca không nên tiếp lời. Chuyện ni coi như Cán mỗ chưa nghe qua. Cảm ơn Hồ ca báo tin ở Đà Nẵng...”

San giật mình, không phải vì Cán Gàn đập bàn mà là câu nói của vị “đại ca Cha” này. Rõ ràng là Cán vẫn rất trung với triều đình, như vậy do đâu mà hắn sau này lại tạo phản?

Rõ ràng thái độ của Cán rất rõ, có thể giúp nước sẽ giúp nhưng rõ là không có ý nổi dậy , khởi nghĩa gì.

San bắt đầu phải suy nghĩ lại mạch suy luận. Bởi vì thông qua cuộc đối thoại này thì San hiểu một điều chắc chắn, lúc này khả năng cao là Cán Gàn chưa bị “trúng độc” nặng, hắn chưa có tư tưởng phản lại triều đình Huế.

Như vậy thực tế nếu thao tác tốt thì Trần gia nguy cơ chưa hẳn là quá nguy hiểm.

Nếu San không nhầm thì lúc này kẻ tên Hồ Văn kia nhắc đến chính là sự kiện Pháp tấn công Đà Nẵng.

Nhưng San rất nghi ngờ, bởi lẽ lịch sử phải tận ngày 1 tháng 9 năm 1858 thì Pháp mới tấn công cảng Đà Nẵng. Lúc này mới chỉ là tháng 5 âm lịch, hẳn là mới tháng 7 dương.

Như vậy Pháp tấn công sớm hai tháng trời…

Lịch sử tại sao lệch như vậy?

San liếc mắt về phương Bắc…

Hẳn nguyên nhân đến từ mục tiêu phải săn lùng của hắn rồi…


Thiên thu, vạn cổ, sách ghi tên.
Triệu hoán kỳ tài, vượt giới lên.
Nhiệt huyết dâng trào, Thiên Mệnh Chiến.
Quần long hội tụ, mấy ai quên?

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.