Trường An Thái Bình

Chương 1: 1




QUYỂN 1: TA ĐÂY THIẾU NIÊN THẦN ƯƠNG NGẠNH
Chương 1: Quán trà
Mùa xuân năm Nguyên Thuận thứ ba, thành Trường An.
Phố Chu Tước trong thành Trường An chia một trăm lẻ tám phường thuộc thành Ngoại Quách[1] làm hai, phía Đông là huyện Vạn Niên, huyện Trường An nằm phía Tây, ngụ ý rằng "Trường An muôn năm".

Trong hai huyện đều có khu chợ riêng, chia làm chợ Đông và chợ Tây, quán trà quán rượu, hàng Tây hàng Hồ[2] đều đủ cả, hai trăm hai mươi nghề chẳng thiếu nghề nào, hàng quán san sát,đủ mọi thứ lạ kỳ trên đời.

[1] Thành Trường An xưa gồm ba bộ phận là Đại Cung, Hoàng Thành và thành Ngoại Quách.
[2] "Hồ" có ý nghĩa ban đầu để chỉ những người thuộc bộ tộc du mục phương Bắc, sau được dùng rộng ra với nghĩa chỉ chung những người ngoại tộc tại phía Bắc và phía Tây.

Văn hóa triều Đường tiếp thu và học hỏi nhiều đã tạo điều kiện cho xu hướng "Hồ" phát triển vào triều đại này, nhiều văn hóa của người Hồ có thể tìm thấy trong trang phục, trang sức, thức ăn của người Đường...
Sau giờ trưa, một quán trà tại chợ Đông nhộn nhịp lạ thường, bao nhiêu chuyện từ quốc gia đại sự đến dân sinh thường ngày được "nhả" ra từ từng khuôn miệng.
Chàng thanh niên dáng vẻ thư sinh gọi một ấm trà Long Tỉnh, cậu không vội nếm thử mà đợi cho hương trà lan tỏa, ngón tay khẽ gõ lên mặt bàn, hàng mi run run rủ xuống, từng sợi đen nhánh rõ ràng.

Lúc này, trông cậu như đang nhắm mắt suy nghĩ, nhưng lại ghi vào lòng hết mọi âm thanh.
Bàn đầu tiên sát cửa sổ đang nói chuyện gà nhà ông Trương mổ rau nhà ông Lý, nhà ông Lý giết gà nhà ông Trương, nhà ông Trương nghĩ mấy lá rau nhà ông Lý không bằng gà nhà mình bèn kiếm cớ đánh con nhà ông Lý, nhà ông Lý không phục nên nửa đêm mò sang sân nhà ông Trương rải gạo mốc...
Tô Sầm lắc đầu ngoảnh đi, nghe chuyện của một bàn bên trong.
Cô gái nọ ở phường Hồng Tiêu yêu đương thề hẹn theo chân một gã Cử nhân vào Kinh ứng thí, chưa được mấy hôm thì chính Cử nhân kia đã tự đưa cô gái về, nói mình còn phải thi cử, không muốn dính dáng gì đến nhau nữa.

Cô gái nọ bị lừa sạch vốn liếng, còn bị đánh gần chết, cuối cùng cứ luôn miệng rằng mình là bà Trạng nguyên, e là bị đần rồi.
Có người nói cô gái nọ không biết nhìn người, cũng có kẻ mắng Cử nhân kia lạnh lùng vô tình, nhưng mọi người cũng chỉ coi đó là một câu chuyện cười, nghe giọng ai nấy đều lẫn vẻ khinh miệt, chẳng ai thật lòng thương cảm cho cô gái, cũng chẳng có ai thật sự trừng phạt Cử nhân kia.
Thờ ơ trước chuyện không liên quan đến mình vốn là lẽ thường tình.

Tô Sầm hơi mở mắt, đôi mắt lanh lợi nhìn quanh, cuối cùng dừng lại ở chỗ hai người đàn ông trung niên mặc áo xanh sang trọng, hào hứng nghe họ nói.
Người đàn ông đứng tuổi hơn bảo: "Triều đình bây giờ có ba người không thể đắc tội, một là Thái phó Ninh Dịch, đã trải qua bốn triều đại, là đại thần phò tá Tiên Đế để lại.

Tuy nay đã ngoài tám mươi, không còn lên triều nữa nhưng một câu hắn ta nói vẫn đáng ngàn vàng, là người có tầm ảnh hưởng trong triều.

Hai là thân mẫu của đương kim Hoàng Thượng, Sở Thái hậu đang buông rèm nhiếp chính, Hoàng Thượng còn nhỏ, mọi chuyện đều do Thái hậu quyết định, ai được lòng Sở Thái hậu thì cũng tính là đã có được Thánh tâm."
Sau đó hắn nhỏ giọng nói tiếp: "Người thứ ba, cũng là người quan trọng nhất, em trai của Tiên Đế, tức Tứ Hoàng thúc của đương kim Hoàng Thượng, Ninh thân vương Lý Thích.

Khi Tiên Đế băng hà thì Hoàng Thượng vẫn còn nhỏ, người gửi gắm Hoàng Thượng cho Ninh Vương, thực chất là muốn lợi dụng binh quyền trong tay Ninh Vương để dẹp yên bốn bề, giúp con trai mình ngồi chắc trên ngai rồng.

Mấy năm trôi qua, Ninh Vương đã thành người mà cả quan lại lẫn dân chúng đều phải e dè kính sợ.

Hắn giữ roi Cửu Long, trên đánh Thiên Tử dưới chém quần thần, đến Sở Thái hậu cũng phải nể sợ đôi phần.

Còn có kẻ nói khi Tiên Đế băng hà có để lại chiếu thư mật, rằng nếu Thiên Tử không có đức thì khanh có thể thế chỗ! Chỉ cần bức chiếu thư mật không rõ thật giả này thôi đã khiến triều đình hiện giờ chia thành hai phe, một là phe Thái hậu nâng đỡ Hoàng Đế nhỏ tuổi, hai là phe Ninh Vương nghe hắn răm rắp.

Việc đầu tiên phải làm khi vào triều làm quan là phải biết rõ mình thuộc phe nào, nếu không cứ chờ bị hai phe cùng xử đi."
Tô Sầm đang gõ bàn cũng chán nản, muốn làm quan phải học cách chia bè chọn phái trước.
"Hả?" Người còn lại sốt sắng hỏi: "Vậy nên chọn bên nào đây?"
"Hai bên ngang tài ngang sức." Người đó nói tiếp: "Sở Thái hậu có hữu tướng thì Ninh Vương nắm tả tướng, bên Thái hậu có Lễ, Lại, Hộ thì bên Ninh Vương cũng có Binh, Hình, Công.

Đám văn thần phò tá chủ nhân đứng về phía Sở Thái hậu, còn võ tướng thì tin thờ Ninh Vương, người đã kề vai chiến đấu với họ bao năm.


Tuy nhìn từ bên ngoài thì phe Thái hậu đang trên cơ Ninh Vương, nhưng thực chất Ninh Vương lại nắm giữ quyền chỉ huy cấm quân Bắc nha, cũng tức là đang nắm giữ tính mạng của những người ở trong cung.

Hai phe ngang sức, chiến trường trên điện triều bây giờ đang trên thế dầu sôi lửa bỏng."
"Vậy Hoàng Thượng thì sao? Tuy còn nhỏ nhưng Hoàng Thượng cũng phải có xu thế nghiêng về bên nào chứ? Sau này tiếp quản ngôi vị thì sẽ rõ ngay kẻ cao người thấp mà?"
Người đàn ông trung niên láo liên khắp nơi rồi kề sát tai người kia nói một câu, mặt người đối diện biến sắc, trà cũng văng ra ngoài.
"Tâm tưởng bất trung..." Tô Sầm gõ bàn nói nhỏ.

Dù không nghe thấy hai người họ nói gì nhưng cậu cũng hiểu đôi chút thần ngữ, phỏng đoán thêm chút nữa là có thể dễ dàng hiểu được ngụ ý của họ.
Mỗi khi đến một nơi mới, cậu luôn thích tìm một chỗ nhộn nhịp nghe người bản xứ bàn ra tán vào, dù không phải chuyện nào cũng là thật, khó tránh khỏi có sự thiên lệch trong đó, nhưng cũng rõ được đại khái.
Như những gì hai người kia vừa nói, cậu không chắc Ninh Vương có "tâm tư bất trung" gì không, nhưng chuyện hai phe tranh đấu thì đã chắc như đinh đóng cột rồi.
"Nhị thiếu gia, chúng ta về thôi?" Người giúp việc theo cạnh cậu bất mãn nhìn lên: "Tranh thủ thời gian còn kịp đọc lại một lượt tứ thư ngũ kinh đấy."
Rõ là đang lúc khoa cử, sĩ tử nhà người ta chỉ muốn không ăn không ngủ vùi đầu vào sách, ông lớn nhà cậu ta thì hay rồi, chạy đến quán trà nhắm mắt nghỉ ngơi, lão gia mà biết được có khi lại tức không dậy nổi ấy chứ.
"Nếu ngươi thấy chán thì về trước là được." Tô Sầm nhướng mày nhìn cậu ta, khóe mắt chân mày hệt gió xuân tháng Hai.
A Phúc rùng mình, cậu ta lắc đầu nguầy nguậy, ngoan ngoãn im lặng nằm bò xuống bàn.
Lần trước nhị thiếu gia cười như vậy là vào ba năm trước, khi cậu rạng rỡ rời nhà đi thi, cuối cùng chưa ra khỏi đất Tô Châu cậu đã thay đổi hành trình, đi khắp một lượt danh lam thắng cảnh trên cả nước, chỉ riêng không đặt chân tới thành Trường An.
Một năm sau về nhà, nhị thiếu gia lại ra vẻ đáng thương khóc lóc kể lể, rằng mình bị một toán thổ phỉ bắt về làm thầy văn thư trên đường đi thi, khó khăn lắm mới trốn ra được, diễn xuất cứ phải gọi là sống động như thật, cực kỳ thuyết phục.

Phu nhân lão gia nghe xong thì thương không để đâu cho hết, hầu hạ cho ăn uống no say suốt một năm, mãi đến một năm trước có một tên công tử đến nhà hỏi khi nào mới đi chơi tiếp thì chuyện mới vỡ lẽ Nhị công tử bị lão gia treo lên cây đánh một trận, đến giờ vẫn còn vết roi chưa mờ hẳn.
Lần này đi thi tiếp lão gia bèn phái cậu ta đi theo, nói rằng nếu nhị thiếu gia còn giở trò gì nữa thì hai người cắt đứt quan hệ, tới lúc ấy họ mới thuận lợi đến thành Trường An.


Lão gia mua cho nhị thiếu gia một căn nhà ngay giữa thành Trường An vốn là nơi tấc đất tấc vàng, tọa lạc ở phường Trường lạc, cạnh chợ Đông, chỉ cách cung Hưng Khánh một phố.

Tuy chỉ có hai sân, hai cửa ra vào nhưng cũng đã mất đến cả vạn đồng vàng.
Tô lão gia có gốc gác dân buôn lại chỉ muốn con mình theo đường chính trị cho mát mặt tổ tiên, ý ông khi chi ra khoản này cũng vô cùng rõ ràng, lần này thi không đỗ thì ở lại Trường An luôn, ba năm sau thi tiếp, thi đến khi nào đỗ thì thôi.
Nói ra thì nhị thiếu gia nhà cậu ta cũng có năng khiếu học tập lắm, khi những đứa trẻ đồng trang lứa còn đang "Nhân chi sơ, tính bản thiện" thì người này đã đỗ Tú tài huyện, còn ẵm ngay ghế thủ khoa kỳ thi Hương ngay lần đầu thi vào năm mười sáu tuổi, sau đó thì...!chạy mất cả hút.
Dưới lớp da mặt vô hại này che giấu một trái tim luôn xăng xái không yên.
Bây giờ cậu ta đưa được người đến dưới chân Thiên tử đã không dễ gì rồi, A Phúc cũng không dám mong mỏi người này về đọc tứ thư, ngũ kinh gì nữa.
Cậu ta đang chán chường nằm bò trên bàn nhìn công tử nhà mình nhắm mắt nghỉ ngơi thì chợt nghe mùi trà thơm thoảng qua, A Phúc không khỏi ngẩng đầu.
Một người trông như tiểu nhị xách ấm trà vòi dài đi từng bàn thêm nước, chỉ là tuy người này mặc đồ tiểu nhị, song cơ thể mặt mày lại chẳng giống hạng tay chân trong loại cửa hàng này chút nào.

Vòng eo mềm như liễu rủ lắc lư nhìn còn vui tai vui mắt hơn con gái, đôi mắt hoa đào thì cứ nhướng cao như vô tình, cố ý.

Tranh thủ lúc thêm nước, có mấy kẻ còn miết tay lên người y, người ta cũng chẳng tức, chỉ cười đùa đáp trả, khi bị người khác nắm cổ tay trắng nõn kéo lại thì ngã luôn vào lòng họ như chẳng có xương, cò cưa một hồi cả bờ vai trắng muốt cũng lộ ra.
E là không phải thêm trà, mà để thêm "hứng" mới phải.
A Phúc trợn mắt há miệng.

Cậu ta biết phong tục thành Trường An cởi mở, nhưng cũng chưa từng thấy tiểu quan trắng trợn mồi chài giữa ban ngày ban mặt thế này.

Cậu ta vừa tự nhủ mình không được nhìn, vừa không sao rời mắt được.
Vừa hoàn hồn đã thấy ánh mắt thấu hiểu của thiếu gia nhà mình, thiếu gia nhướng mày nhìn cậu ta: "Ra ngoài rẽ trái hai con phố, hình như có một quán tiểu quan."
Mặt A Phúc đỏ bừng, không dám ngẩng đầu lên nữa.
Mùi trà thơm nức phả đến, một đôi tay ngọc ngà nhấc nắp ấm trà lên, y thốt lên một tiếng, cười bảo: "Chẳng lẽ công tử đây chê trà nhà em không ngon, hay vì lý do gì khác mà chưa uống ngụm trà nào thế? Trà lạnh cả rồi, phung phí của Trời xiết bao."
Tô Sầm ngước mắt nhìn y: "Phung phí thì có, nhưng của Trời thì chưa đến.

Tôi gọi là trà Long Tỉnh minh tiền, trà minh tiền một mầm một lá, khi pha xong tuy màu nhạt nhưng tỏa hương đậm đà.


Trà này của cậu rõ là trà vũ tiền, trà đầu xuân mỗi ngày một khác, trà này của cậu muộn hơn trà minh tiền cả nửa tháng, sao có thể nói là "của Trời"?"
[3] Minh tiền là hái trước bình minh, vũ tiền là trước khi trời mưa.

Trà Long Tỉnh loại một mầm một lá là cao cấp nhất, ngoài ra còn có một mầm hai lá, ba lá.
"Công tử biết nhiều thật đấy." Tiểu quan kia không giận, trái lại còn tủm tỉm dùng vòi ấm trà khều cằm Tô Sầm, ngả ngớn nói: "Nhưng nếu công tử không uống, lần sau em không thêm nước cho công tử nữa đâu đấy."
Tô Sầm hiểu ý nhướng mày, rót một tách trà đẩy ra chỗ A Phúc: "Uống đi, đừng phụ lòng tốt của người ta."
Tiểu quan kia mỉm cười, rót thêm lượng nước bằng một chén trà rồi xách ấm lên trên.
"Nhị thiếu gia..." A Phúc cau mày nhìn tách trà.
Tô Sầm lấy lại tách trà rồi uống cạn, mùi trà thơm nồng, đúng là trà minh tiền.
————–
Tác giả:
Tác phẩm này có bối cảnh lịch sử giả tưởng, nhưng vì bối cảnh được dựng tại thành Trường An nên một vài quy chế sẽ dựa theo thời Đường.

Triều đại trong truyện là Đại Chu, dưới đây là một vài thông tin có thể sau này sẽ dùng đến, để đây tham khảo.
[Miếu hiệu + Niên hiệu – Người tại vị: Thời gian tại vị; Giới thiệu vắn tắt]

Thái tổ Võ Đức – Lý Thành: Tại vị 26 năm, mở mang bờ cõi, xây dựng triều đại.

Thái tông Vĩnh Long – Lý Úc: Tại vị 23 năm, thủ đoạn ngoan độc, tài trí mưu lược.

Thần tông Thiên Thú – Lý Tốn: Tại vị 8 năm, sức khỏe yếu, qua đời sớm.

Nguyên Thuận – Lý Trạc: Thiên tử lên ngôi năm 6 tuổi, hiện đang tại vị..



Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.