Sáng sớm Thần Dương được đánh thức bởi tia nắng đầu tiên trong ngày. Nhạc Ngư Thất lên núi, thấy hoa lá bên đường tươi tốt, đoán ra ngay nửa năm qua Thanh Duy vẫn chưa về, vì nếu con bé mà ở nhà, làm gì có chuyện chỗ cây cỏ này mọc cao như thế?
Hai năm trước, Thanh Duy và Tạ Dung Dữ trở về Thần Dương, Nhạc Ngư Thất cùng họ sửa lại mộ cho Nhạc Hồng Anh, hợp táng hài cốt của Ôn Thiên vào mộ, sau đó đi thẳng đến Lăng Châu uống Thượng Dao Đài. Thanh Duy và Tạ Dung Dữ cũng không ở nhà lâu, bọn họ nán lại Thần Dương một tháng rồi đến Bạch Thủy, lên Trung Châu.
Nhạc Ngư Thất biết con a đầu Tiểu Dã ngỗ ngược thế nào, cho nên cũng không ép nàng, chỉ dặn nàng nhớ định kỳ về Thần Dương dọn dẹp, rảnh rỗi báo tin bình an. Nhưng bây giờ chớ nói là thư, nhìn nhà cũ sạch sẽ thế này, có khi là thằng tiểu tử Dung Dữ thuê người lên núi quét dọn thì có.
Nhạc Ngư Thất đang bực mình thì bỗng nghe thấy cửa kêu cái *két*, một đứa bé kháu khỉnh bụ bẫm đẩy mở cửa, ló đầu vào. Đối diện với ánh mắt của Nhạc Ngư Thất, nó cười to, “Nhạc thúc, thúc về rồi à!”
Thằng bé này gọi vai vế loạn hết cả lên, thấy Tiểu Dã thì gọi cô, gặp ông lại kêu thúc, thế hóa ra ông và Ôn Tiểu Dã đồng lứa hả?
Đại Hổ xông vào phòng, dúi xấp thư vào tay Nhạc Ngư Thất, “Nhạc thúc, cô Tiểu Dã gửi thư cho thúc đó, gửi lên núi không ai nhận nên cha mẹ đã cất giúp thúc.”
Thư từ không bao nhiêu, hai năm tổng cộng năm sáu lá, coi như con a đầu Tiểu Dã chưa mất lương tâm.
Nhạc Ngư Thất vơi giận, nói với Đại Hổ: “Cám ơn cháu, tối nay nhớ lên núi, ta dạy cháu mấy chiêu võ nghệ.”
Đại Hổ hoan hô reo lên, nhảy nhót xuống núi.
Thư được sắp xếp theo ngày gửi, đợi Đại Hổ rời đi, Nhạc Ngư Thất mở lá thư đầu tiên từ hai năm trước ra đọc.
“Sư phụ, con và quan nhân đã đến Trung Châu. Giang Lưu Trung Châu là quê của quan nhân, con từng ghé hai lần nhưng quan nhân thì chưa. Bọn con về Tạ gia, có gặp tổ mẫu của quan nhân, tổ mẫu chăm lo cho quan nhân nhiều lắm, cũng rất thích con…
Hồi nhỏ hay nghe mẹ kể chuyện ông bà, kể ông dũng mãnh trên chiến trường thế nào, tiếc rằng chưa bao giờ được gặp ông, luôn vì thế mà nuối tiếc, nhưng nay có tổ mẫu của quan nhân thương yêu, tâm nguyện ấy coi như được thành toàn. Tổ mẫu nói quan nhân bị bắt sống trong cung quá lâu, phải ra ngoài đi đó đi đây, cho nên bà không giữ bọn con ở lại Trung Châu. Nhưng quan nhân hiếu thảo, quyết định ở với tổ mẫu tới tận mùa thu, sau đó sẽ lên Cật Bắc, dẫn Triêu Thiên và Đức Vinh đi thăm Cố thúc, nhân tiện… con muốn sửa lại mộ cho Tào Côn Đức.”
Lá thư thứ hai chắc hẳn được viết sau khi tới Cật Bắc, thư rất ngắn, trên giấy còn dính cát.
“Sư phụ, hiện con đang ở trong lều ngoài sa mạc viết thư cho sư phụ. Xui làm sao, con và quan nhân đến Cật Bắc thật không đúng lúc, Cật Bắc vào thu thường có gió cát, gió cát rất lớn, chỉ cần há miệng là cát lọt đầy họng, khí hậu cũng khô nữa. Triêu Thiên và Đức Vinh là người Cật Bắc nên thích ứng rất nhanh, nhưng còn và quan nhân thì chịu, Lưu Phương càng không chịu nổi, vừa tới Cật Bắc là chảy máu mũi liên tục, may nhờ Cố thúc cho một bài thuốc, nàng ấy mới khá lên. Con cảm thấy Cật Bắc không hợp ở lâu dài, nhưng về sau có một hôm, con và quan nhân đi vào sa mạc, ở nhờ lều của người dân, đêm khuya bước ra lều, thấy sao lấp lánh khắp trời, cát vàng khôi phục ngàn dặm, cảm thấy rất tráng lệ, có lẽnhững nơi trên thế gian này không nên phân biệt bằng khả năng sống, phải có cảnh đẹp thì mới có người đến thưởng thức.”
Đọc tới đây, Nhạc Ngư Thất bật cười, mở lá thư thứ ba ra.
“Sư phụ, đã hơn một năm không gặp, sư phụ có khỏe không? Mà với sư phụ thì làm gì có chuyện không khỏe chứ. Sau khi rời Cật Bắc, con và quan nhân lén hồi kinh một chuyến. Quan nhân rất nhớ trưởng công chúa, con cũng nhớ bà ấy lắm. Đáng nhẽ chúng con nên đón tết với mẫu thân, nhưng con và quan nhân chỉ đón giao thừa với bà rồi nhanh chóng lên đường. Bọn con ở lại quán rượu ngoại ô một đêm, quán rượu này do Phù Đông và Mai Nương mở, vị trí rất đẹp, rượu cũng rất thơm, việc kinh doanh cũng khấm khá. Tiết thúc vẫn theo nghiệp cũ, tiếp tục làm thợ mộc, một năm qua đi từ trời nam đến biển bắc, nhưng Mai Nương nói, nếu thúc ấy được nghỉ thì sẽ về quán rượu ở một thời gian. Rời khỏi kinh thành, con và quan nhân lại tới Khánh Minh. Chắc là vì Chương Hạc Thư nên Tiểu Chương đại nhân không muốn ở lại kinh thành, từ đầu năm đã xin đến Khánh Minh làm Châu doãn, Khúc Đình Lam cũng được điều sang. Quan nhân đến Khánh Minh, đi uống với Chương Lan Nhược và Khúc Đình Lam một bữa, nhưng mà con không đi cùng. Nghe quan nhân nói, Khúc Đình Lam và Chương Lan Nhược đã thành gia lập thất rồi, tuy Khúc Đình Lam ngây ngô nhưng may có Chương Lan Nhược thường giúp đỡ đúng lúc, mà chuyện với Tiển Khâm Đài cũng góp phần giúp hắn tỉnh táo, hắn sẽ không lạc lối nữa đâu, mai sau cũng sẽ ngày một tốt hơn.”
…
“Sư phụ, con đã đến Nhạc Châu rồi. Sư phụ đoán xem con đã gặp ai ở Nhạc Châu? Là Chi Vân. Chi Vân thay đổi rất nhiều. Trước kia muội ấy không rành đời, chỉ là một tiểu cô nương sống trong khuê các, còn bây giờ, bảy tiệm trà Cừ của Thôi gia ở Nhạc Châu đều do muội ấy quản lý, cửa tiệm có bao nhiêu khách quý, lời nhiều ít thế nào, cần tích hàng bao nhiêu, tiểu nhị phải dùng bàn tính để tính, còn muội ấy nhớ rõ mồn một. Muội ấy cũng thành thân rồi, phu quân do muội ấy chọn, là một Cử nhân bị trong nhà bắt phải thi thố, nghe nói hai người thương nhau nhiều lắm.
Cử nhân không ham công danh lợi lộc, chỉ mở một lớp dạy học nho nhỏ. Hồi đầu năm Chi Vân mới sinh một bé gái, Cử nhân thương nàng vất vả, lại nghĩ nàng không bỏ được tiệm trà, thế là đóng cửa lớp học nửa năm, ở nhà lo toan, chăm sóc vợ con. Hôm chúng con đến Nhạc Châu, Chi Vân ra cổng thành đón, muội ấy dẫn chúng con về Thôi trạch, về viện cũ của con ngày trước. Viện vẫn như thế, nhưng có thêm rất nhiều đồ đạc, Chi Vân nói, nơi đây mãi mãi là nhà của con, muội ấy sẽ luôn để trống viện này cho con…”
…
“Sư phụ, nếu sau này sư phụ có đến Lăng Xuyên, nhất định nhớ ghé quán trà ở ngõ Hạnh Hoa phía đông thành Đông An nhé. Sư phụ có biết ai mở quán trà này không? Là Diệp Tú nhi. Chính là Tú nhi cô nương đã dẫn con lên núi hồi tới Thượng Khê ấy. Ông cháu họ Cát cũng làm việc vặt trong quán, bây giờ bọn họ không phải là sơn tặc nữa, sau này con mới biết, hóa ra sau khi rời Thượng Khê, quan nhân đã nhờ người làm hộ tịch cho họ. À phải rồi, tiểu phu nhân cũng ở quán trà đó luôn. Tiểu phu nhân thích ca hát, Tú nhi bèn dựng một sân khấu nhỏ ngay trong quán, thỉnh thoảng tiểu phu nhân sẽ lên hát, nhưng hầu hết thời gian đều để học trò của mình lên. Học trò của nàng ấy cũng là cô nhi có thân thế bất hạnh như nàng, chừng bảy tám tuổi, được nàng nhặt về, những lúc rảnh rỗi sẽ phụ việc trong quán, Tú nhi nói quán trà kinh doanh ăn nên làm ra, vẫn đủnuôi mấy người.
Con và tiểu phu nhân về Thượng Khê một chuyến, đi tảo mộ cho Tôn Huyện lệnh và Tần sư gia. Trước mộ có hoa đào chưa nở, tiểu phu nhân bảo chắc là người Thượng Khê đem đến cúng. Tiểu phu nhân còn nói, dù Tôn Huyện lệnh có tội trong vụ án Tiển Khâm Đài thì ông ấy vẫn là một vị quan phụ mẫu tốt, cũng là người tốt, sẽ có người luôn nhớ ông ấy…”
…
“Sư phụ, hôm trước Tề đại nhân ở Lăng Xuyên mời quan nhân tới Thuận An Các xem tranh, chúng con lại đến hội thi họa, hôm ấy có một bức tranh được bán tới hai nghìn lượng. Sư phụ đoán xem là ai vẽ bức tranh này nào? Là Sấu Thạch. Lúc ấy con mới biết, mấy năm sau khi bọn con rời Lăng Xuyên, họa sĩ Sấu Thạch và họa sĩ Nguyệt Chương bắt đầu nổi tiếng, nhân sĩ Lăng Xuyên đổ xô sưu tầm tranh của họ, bởi vì phong cách vẽ của họrất ngược nhau nên thường có người tranh luận ai vẽ đẹp hơn ai, ngờ đâu Nguyệt Chương và Sấu Thạch lại là anh em, Nguyệt Chương là Doãn Trì, còn Sấu Thạch chính là Doãn Tứ cô nương Doãn Uyển.
… À phải rồi, sư phụ nè, hôm trước con gặp một người khá quen ở đầu đường Đông An. Không biết có phải nhìn nhầm không, mấy năm nay sư phụ đi nhiều nơi, không biết có gặp người ấy không. Mà thôi, trong thư không tiện nói nhiều, đợi bao giờ gặp sẽ kể. Sư phụ nhớtranh thủ thời gian đến tìm Tiểu Dã nha…”
…
Đọc xong sáu lá thư, chỉ còn lại một lá cuối cùng, là của Tạ Dung Dữ.
“Gửi cữu phụ, từ biệt hai năm, mong ngài vẫn bình an. Cuối hạ đầu thu năm nay, con và Tiểu Dã sẽ đến Tiển Khâm Đài tham quan, tuy vẫn còn tranh luận về việc dựng hay dỡ Tiển Khâm Đài, nhưng nay dư âm đã qua, tiếng oán thán của dân chúng đã lặng, nghe đâu gần đây có rất nhiều người đến cúng tế, nếu cữu phụ có thời gian rảnh, chi bằng đến núi Bách Dương gặp nhau. Tiểu Dã rất nhớngài. Dung Dữ kính bút.”
Đọc tới đây, Nhạc Ngư Thất cột thắt tay nải vừa mở ra, ông nghỉ ngơi một đêm, hôm sau khi trời vừa hửng sáng, lại xách tay nải xuống núi.
Đại Hổ chạy đuổi theo: “Nhạc thúc, Nhạc thúc lại đi nữa hả?”
Thằng bé thất vọng ra mặt, nó chỉ mới học được vài chiêu với Nhạc thúc thôi mà.
Nhạc Ngư Thất nhìn nó, cười bảo, “Làm gì có chuyện một phát ăn ngay. Mấy chiêu thức Nhạc thúc dạy đủ hưởng cả đời rồi, cứ tập luyện cho thành thạo đi!”
“Nhạc thúc, thúc đi đâu đó!” Đại Hổ lon ton đuổi theo.