Sicily Miền Đất Dữ

Chương 5



Cha bề trên vừa làm một vòng đi dạo buổi chiều quanh tu viện dòng khổ tu Phranxixco vừa để thúc mấy ông thầy dòng lười biếng, vô tích sự phải làm việc cho xứng với miếng cơm hàng ngày mà ngài phải bỏ ra nuôi các ông. Ngài kiểm tra lại sản phẩm của phân xưởng mạo chế di vật của các thánh, thăm lò bánh mì đang nướng những ổ bánh lớn, giòn để bán cho thị trấn bên cạnh. Ngài cũng ghé mắt thanh sát cả những giỏ lớn đựng trái cây như cà chua, trái ô - liu và những trái nho mọng, tím đen, bóng láng. Thấy bóng ngài, các thầy dòng làm bộ bận tíu tít như một đám trẻ nít tinh nghịch, nhưng không vui vẻ bằng. Thật ra, họ là một đám người mặt mày ủ rũ. Trong đám, chẳng thấy có ai có được cái vui tươi cần thiết của những người đang phụng sự Chúa. Cha bề trên móc một điếu xì - gà gộc màu nâu đen, dài mà ngài cất dưới lớp áo dòng ngài đang mặc. Ngài vừa phì phèo vừa đi tản bộ quanh tu viện cho nó đói bụng đặng lát nữa đến bữa ăn, ăn cho thêm ngon miệng.

Vào chính lúc đó, ngài thấy Aspanu dìu Turi lết qua cổng tu viện. Ông thầy dòng già giữ cửa sổ không cho hai đứa vào, nhưng Pisciotta rút súng lục ra, gí vào đầu ông ta. Khiếp quá, ông quì thụp xuống đất và đọc kinh sám hối.

Pisciotta đặt dưới chân cha bề trên cái xác của Guiliano bê bết máu và xuội lơ hầu như chết rồi. Cha bề trên vóc người cao, nhưng gầy, cái mặt xương xương, quắt quéo như mặt khỉ. Mũi củ hành, hai mắt như hai nút áo màu nâu lúc nào cũng toát ra cái nhìn soi mói, ngờ vực. Dù đã thất tuần, nom ngài vẫn quắc thước, tinh thần sáng suốt và xảo quyệt như ngày xưa - trước thời Mussolini - lúc ngài còn được tổ chức Mafia chuyên bắt cóc người đòi tiền chuộc thuê viết những bức thư tống tiền rất lịch thiệp, nhưng cũng rất hắc ám. Nay, mặc dù mọi người - từ anh nông dân cho đến chính quyền - đều biết tu viện là "Tổng hành dinh" của bọn buôn lậu, là "đầu lậu" của chợ đen đỏ, thế mà tuyệt nhiên, ngài chẳng hề bị làm khó dễ vì các hoạt động phi tôn giáo và rất bất hợp pháp này. Đó là vì người ta tôn trọng các chức thánh của ngài cũng có, đồng thời cũng vì người ta nghĩ rằng cũng nên để cho ngài hưởng chút phần thưởng vật chất đặng đền bù cho cái công ngài phải bỏ ra để dẫn dắt linh hồn các thầy dòng.

Bởi vậy, cha bề trên Manfredi cũng chẳng hoảng hốt khi thấy hai tên du côn "miệt vườn", mình mẩy máu me đầm đìa dắt díu nhau sấn vào lãnh địa thiêng liêng của con cháu Thánh Phranxixcô này. Thật ra, ngài đâu có lạ gì cái thằng Pisciotta kia. Trước đó, ngài đã dùng y vào một vài vụ buôn lậu và chợ đen chợ đỏ cả rồi. Cả ngài lẫn y đều giống nhau ở một điểm là cả hai đều rất xảo quyệt. Điểm chung này khiến cho cả hai vừa khoái chí vừa cảm phục nhau. Ông già thì kinh ngạc vì cái tuổi trẻ tài cao của thằng quái non này, không ngờ y còn quá trẻ mà tài năng đã phát triển gớm thế. Thằng nhỏ thì kinh ngạc vì không ngờ cha cố quyền cao chức rộng và tuổi đã cao mà vẫn ba que, xỏ lá và bợm đến thế.

Cha bề trên trấn an ông thầy dòng gác cửa, rồi nói với Pisiotta - chẳng cần giới thiệu mà ông đã réo đúng ngay tên y, chứng tỏ là ông biết y rất rõ:

- Thôi được, Pisciotta quí mến của cha, các con bị trục trặc vụ gì vậy?

Pisciotta cột chặt chiếc sơ - mi đẫm máu vào vết thương của Guiliano. Thấy nét mặt co rúm vì buồn thương của Pisciotta, ngài lấy làm ngạc nhiên vì không ngờ thằng quỷ này mà cũng có thể có được cảm xúc ấy. Nhìn vết thương to lớn của Guiliano, Aspanu Pisciotta nghĩ rằng thằng bạn, thằng anh họ sắp "đi tong" đến nơi, hay là "đi" rồi không chừng. Làm cách nào và báo tin như thế nào cho ông bà già của Guiliano bây giờ? Y sợ nhất là dì y sẽ đau khổ. Nhưng bây giờ, việc quan trọng nhất thì phải làm trước. Y phải thuyết phục thế nào để cha bề trên chịu cho giấu Guiliano vào nơi kín đáo trong tu viện.

Y nhìn thẳng vào mắt cha bề trên. Qua cái nhìn ấy, y muốn uỷ thác cho ngài một việc mà - tuy không ra mặt trực tiếp hăm he, đe doạ gì - nếu ngài từ chối thì chắc chắn sẽ có chuyện sinh tử chứ chẳng chơi. Y nói:

- Đây là người anh họ và cũng là người bạn chí cốt của con, Salvatore Guiliano. Như cha thấy đấy, nó bị xui xẻo. Và chỉ một lát sau đây thế nào lũ cớm cũng quây kín ngọn núi kia và lùng kiếm nó. Và cả con nữa. Cha là hy vọng độc nhất của tụi con. Con xin cha che giấu và che chở cho tụi con. Làm điều này cho tụi con, cha sẽ có người bạn thuỷ chung!

Y cố nhấn mạnh vào chữ "người bạn".

Có gì thoát được đôi mắt cáo già và cái trí khôn sắc sảo của cha bề trên? Bởi vậy, dù chỉ nói sơ sơ - thậm chí không nói ra - cha cũng thừa hiểu cái ý của nó. Cha cũng có nghe nói đến Turi Guiliano, một anh chàng rất được nể trọng ở Montelepre, một tay súng và tay săn có hạng, chín chắn, khôn ngoan trước tuổi. Ngay cả tổ chức "Người anh em" cũng đã "chấm" anh chàng và coi là một thành viên tương lai đầy hứa hẹn. Chính Ông Trùm Croce, trong một cuộc viếng thăm xã giao và làm ăn với tu viện cũng có lần nhắc đến tên anh chàng này. Một người có con mắt tinh đời, nhìn xa thấy rộng, có trí khôn sắc bén và xảo quyệt như cha bề trên thì làm gì mà chẳng nhận ra ngay con phượng hoàng giữa bầy gà, làm gì mà chẳng biết câu "trồng cây đặng có ngày hái quả".

Nhìn Guiliano nằm mê man bất tỉnh, ngài hầu như chắc chắn anh chàng này cần một cái gì quan trọng hơn là một nơi trú ẩn, cần một giáo sĩ để làm các bí tích lâm chung hơn là một bác sĩ. Đáp ứng lời yêu cầu của Pisciotta thì chẳng có gì là liều lĩnh , nguy hiểm. Bởi vì, ở cái xứ Sicily này, che giấu một tử thi thì chẳng phải là một trọng tội. Nhưng ngài muốn cho thằng quái kia hiểu rằng cái ân huệ mà ngài sắp ban cho nó không phải là nhỏ, là kém giá trị. Ngài hỏi:

- Tại sao các con lại bị truy lùng vậy?

Pisiciotta ngần ngại. Nếu ông cha bề trên này biết chúng đã "lật gọng" một thằng cớm thì có thể ông không dám chứa. Nhưng nếu ông không biết để lựa lời ăn nói khi bọn cớm đến truy lùng thì cũng kẹt. Y suy nghĩ rất nhanh và quyết định nói thật.

Cha bề trên cúi xuống nhìn, như thể buồn vì một linh hồn sắp sa địa ngục, nhưng thật ra chỉ là để nhìn cho gần hơn, đặng quan sát rõ hơn và đánh giá đúng mức tình trạng mê man của Guiliano. Máu thấm qua chiếc áo sơ - mi buộc quanh người hắn. Nếu chàng thanh niên tội nghiệp kia chết thì vấn đề càng đơn giản, càng dễ giải quyết.

Với tư cách là một thầy dòng khổ tu dòng Phranxixcô, cha bề trên cũng đầy lòng bác ái của Chúa. Nhưng, trong thời buổi khó khăn này, cha cũng phải xét tới những khía cạnh và hậu quả thực tiễn, cụ thể của việc làm bác ái của ngài. Nếu cho hắn trú ẩn và hắn chết thì ngài chỉ có lợi mà thôi. Nhà cầm quyền sẽ bằng lòng với cái thây ma và gia đình người chết thì sẽ mãi mãi mang ơn, hay mắc nợ ngài.

Dĩ nhiên, ngài cũng có thể giao hai thằng lưu manh côn đồ này cho cảnh sát, bọn này sẽ tính gọn ngay thôi. Nhưng làm vậy thì có lợi gì cho ngài? Nhà cầm quyền cũng chẳng làm gì cho ngài nhiều hơn những gì họ đã và đang làm cho ngài. Khu vực làm ăn của ngài đã được họ giữ an ninh cho rồi, chẳng có đứa nào dám léng phéng. Tuy nhiên, trong trường kinh doanh của phi nghĩa, thì thêm bạn bớt thù vẫn là thượng sách. Phản bội những anh bạn trẻ này chỉ tổ gây thù chốc oán với bọn nhà quê và gây nợ máu - chắc chắn, không thể không được - với gia đình của hai tên cô hồn các đảng này. Cha bề trên đâu đến nỗi ngu để nghĩ rằng cái áo dòng sẽ che chở cho cha khỏi trả món nợ máu chắc chắn sẽ có nếu cha phản bội. Cha cũng dư biết thằng khốn nạn Pisciotta kia nghĩ gì trong đầu. Trước khi xuống địa ngục thì nó cũng phải quậy cho nát nước ra đã. Phải, chớ bao giờ dại dột xem thường sự thù hận của bọn nhà quê Sicilian. Là con chiên bổn đạo đến mụ cả người đi thật và chẳng bao giờ cảm thấy mắc cỡ vì tội lỗi của mình khi quì trước tượng Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Mary thật đó, nhưng nếu bép xép, phạm luật Omerta (1) thì dù có là đức Giáo Hoàng cũng vẫn bị chúng vặt cổ như thường. Trên đảo Sicily có vô số tượng Đức Chúa Giesu thì cũng vẫn chẳng có người dân Sicilian nào chịu tin vào lời răn dạy của Chúa: " Nếu nó tát con vào má bên phải, thì con hãy chìa nốt má bên trái cho nó tát". Ở cái xứ sở tốt lành và rất sùng đạo này, sự tha thứ được đồng nghĩa với sự hèn nhát. Dân Sicilian chính cống không tài nào hiểu được ý nghĩa của chữ xót thương.

Trong tất cả những điều cha bề trên biết về Pisciotta, có điều này là ngài biết rõ nhất: Pisciotta sẽ không phản ngài. Bởi vì, ngài đã có dịp thử thách và kiểm chứng điều này. Trong một vụ buôn lậu cò con, ngài đã bố trí để Pisciotta bị bắt và bị điều tra. Thẩm sát viên là một tay cớm an ninh, chuyên viên có hạng - chứ đâu phải thứ cớm vườn ở Montelepre này - đã làm đủ tình đủ tội, giở đủ mánh khoé ngón nghề, cương có nhu có, ấy thế mà vẫn không cậy được răng Pisciotta lấy một lời khai nào. Y cứ câm như hến. Hoặc nếu có thì chỉ là "không biết'. Thẩm sát viên ấy thả y ra và đảm bảo với cha bề trên rằng thằng cha đó có thể dùng được trong những vụ làm ăn lớn. Từ đó, cha bề trên vẫn dành cho Aspanu Pisciotta một chỗ đặc biệt trong trái tim của ngài và hằng ngày ngài vẫn cầu nguyện cho y.

Cha bề trên đưa hai ngón tay gầy guộc trơ xương lên bóp môi dưới chúm lại và "huýt huýt" mấy tiếng. Các thầy dòng vội vã chạy lại. Ngài sai họ khiêng Guiliano vào một khu xa và khuất nẻo trong tu viện. Ngài có một khu đặc biệt trong tu viện để chứa chấp đám con cháu nhà giầu trốn quân dịch trong thời chiến. Rồi, ngài sai một thầy dòng đi mời bác sĩ ở San Giuseppe, cách đó năm dặm.

Pisciotta ngồi cạnh giường và cầm bàn tay bạn mình. Vết thương không còn rỉ máu nữa. Và Turi đã mở mắt, nhưng đôi mắt nom đã mờ rồi. Pisciotta khóc sụt sịt, không nói năng gì, y lau trán Guiliano lấm tấm mồ hôi. Da của Guiliano tái xanh, lợt lạt.

Mãi một giờ sau bác sĩ mới tới. Lúc đi tới đây, bác sĩ đã thấy cả bầy cớm lùng sục trên núi, nên ông đã chẳng ngạc nhiên khi thấy ông bạn của ông - tức cha bề trên - đang giấu giếm một người bị thương. Điều này chẳng liên can gì đến ông ta. Cha bề trên - bạn đồng hương Sicilian của ông - cần đến sự giúp đỡ của ông, thế là quá đủ. Quan tâm đến cớm, đến chính quyền làm gì cho nó mệt, mà lại chẳng ăn cái giải gì. Chính cha bề trên - Chứ chẳng phải cớm nào, chính quyền nào - cứ mỗi chủ nhật lại cho ông cả giò trứng gà, cứ mỗi lễ Giáng Sinh là một vò rượu và lễ Phục Sinh là một con cừu non béo nung núc. Dù cả năm chẳng phải chữa bệnh cho nhà dòng một lần nào, thì cha bề trên vẫn cứ lệ thường mà cho một cách hữu nghị như vậy.

Bác sĩ khám và điều trị vết thương cho Guiliano. Đạn trúng bụng và có lẽ xuyên thủng vài cơ quan nào đó nữa - Chắc chắn nhất là gan. Mất nhiều máu quá, chàng thanh niên lợt lạt, xanh xám, nom như cái thây ma, nhất là khoé miệng lợt lạt đến gần như trắng bệch ra. Bác sĩ biết đó là dấu hiệu đầu tiên của cái chết. Ông thở dài nói với cha bề trên:

- Còn nước thì còn tát thôi, chứ ít hy vọng lắm. Máu không rỉ ra nữa, vì nó đã mất có đến một phần ba lượng máu rồi. Và như vậy thì cứ sự thường là "xong" thôi. Cố giữ cho nó ấm, xem sao. Có thể cho nó uống chút sữa, nếu nó uống được. Và tôi để lại vài ống mooc - phin.

Ông nhìn thân thể của Guiliano và có vẻ tiếc rẻ. Pisciotta thì thầm hỏi:

- Tôi có thể nói thế nào với ông bà già nó? Liệu còn có cơ may gì không, bác sĩ?

- Anh muốn nói với họ sao thì nói, - bác sĩ thở dài, - nhưng vết thương này nặng lắm, chết người đấy. Vì là một thanh niên khoẻ mạnh, nên nó có thể kéo dài ít ngày. Nhưng tốt hơn là chẳng nên hy vọng gì.

Nhìn thấy vẻ tuyệt vọng trong đôi mắt của Pisciotta và nỗi buồn thoáng qua trên khuôn mặt cha bề trên, ông nói một cách khôi hài:

- Dĩ nhiên, một nơi thiêng liêng như ở đây thì luôn luôn có thể xảy ra phép mầu nhiệm!

Cha bề trên và ông bác sĩ đi ra ngoài. Pisciotta cúi xuống bạn để lau mồ hôi đọng trên lông mày và nó kinh ngạc vì đôi mắt ấy lộ ra cái vẻ giễu cợt. Đôi mắt màu nâu sậm, nhưng có viền trắng bạc. Pisciotta cúi sát hơn nữa. Turi Guiliano thì thào. Rõ ràng là hắn đang gắng gượng để nói:

- Nói với bà già là tao sẽ về nhà, - Turi thều thào nói. Rồi hắn làm một cử chỉ mà suốt những năm tháng về sau này, không bao giờ Pisciotta quên được. Hắn bỗng đưa hai tay lên túm chặt lấy tóc của Pisciotta. Bàn tay còn có sức sống, chứ không phải là bàn tay của người đang hấp hối. Bàn tay ấy nắm lấy tóc Pisciotta kéo sát xuống và thều thào: - Mày hãy nghe lời tao!

Buổi sáng hôm sau, được ông bà già Guiliano gọi điện thoại báo cho biết, giáo sư Hector và Adonis vội vã tức tốc đi về Montelepre. Ông có nhà riêng ở Montelepre, nhưng rất ít khi ông sử dụng ngôi nhà này. Ông ghét nơi ông sinh ra và đã sống qua thời thơ ấu. Đặc biệt ông tránh trở về nơi chôn rau cắt rốn vào ngày Lễ Kính Thánh Bổn Mạng. Sự trang trí thị trấn chỉ làm cho ông buồn. Bởi vì cái vẻ hào nhoáng tạm thời ấy chỉ che giấu một cách vụng về tồi tệ sự nghèo mạt kinh niên của thị xã. Ngày lễ cũng là ngày nhục nhã của ông: bọn bợm nhậu cứ nhè cái vóc dáng thấp bé của ông mà châm chọc, chế giễu. Và ngay cả đàn bà nhìn thấy ông cũng mỉm cười vừa có vẻ rẻ rúng vừa có vẻ thương hại tội nghiệp.

Ông thông minh và hiểu biết hơn họ bội phần. Nhưng cái đó cũng chẳng giúp ích gì cho ông, chẳng làm cho ông được kính nể hơn. Chẳng hạn, dân ở đây hãnh diện ở chỗ trải qua bao đời, nhà của họ đã sơn màu nào thì cứ truyền tử lưu tôn mà sơn màu đó. Họ đâu biết rằng màu sắc ấy đã nói lên cái gốc gác, cội nguồn dòng máu mà họ đã thừa hưởng. Qua bao thế kỷ, những người có dòng máu gốc gác phương Bắc thì bao giờ cũng sơn màu trắng, người Hy Lạp màu xanh da trời, người Ả Rập thờ màu hồng và người Do Thái màu vàng. Nhưng ngày nay tất cả đều tự coi mình là người Ý nói chung, là người Sicilian nói riêng. Các dòng máu ấy từ hàng ngàn năm nay đã pha trộn với nhau đến nỗi ngày nay không thể căn cứ vào ngoại hình của một người nào để có thể đoán sắc màu ngôi nhà của họ. Nếu bây giờ có ai nói với một người Sicilian sơn nhà màu vàng rằng y có gốc gác Do Thái thì coi chừng, dao lụi không vào lưng thì bụng là cái chắc.

Aspanu Pisciotta sống trong một ngôi nhà sơn vôi màu trắng, mặc dù hình dạng của nó giống với Ả Rập hơn. Ngôi nhà của Turi Guiliano sơn màu xanh da trời, và quả thật là diện mạo của Guiliano thì như một bức tượng Hy Lạp, nhưng khung người của hắn thì lại cao và to như một người phương Bắc. Nhưng có một điểm chung giữa những người gốc gác cội nguồn khác nhau ấy là dòng máu sôi sục một cách kỳ lạ và nguy hiểm mà ta có thể gọi là "chất Sicilian", "tính cách Sicilian". Chính cái đó đã làm cho họ thành Sicilian chính cống. Và chính cái đó đã làm cho Hector Adonis trở về Montelepre hôm nay.

Mỗi đường phố dù lớn hay nhỏ - nhất là phố Via Bella đều có lính cảnh vệ hoặc là cớm mặt mày lầm lì dữ tợn, tay lăm lăm khẩu tiểu liên hoặc súng lục và sẵn sàng nhả đạn.

Ngày thứ hai trong ba ngày lễ Kinh Thánh Bổn Mạng - theo thường lệ lẽ ra ngoài đường phải đông vui tấp nập - nhưng năm nay lại buồn thiu, vắng vẻ một cách lạ thường. Đường phố không có cả trẻ nít nô đùa. Hector Adonis cho xe hơi leo lên lề, đậu trước cửa nhà Turi Guiliano. Hai tên cảnh vệ lom lom nhìn một cách nghi ngờ cho đến khi ông ra khỏi xe, thì chúng lại mỉm cười vì cái vóc dáng thấp bé của ông.

Chính Pisciotta ra mở cửa và dẫn ông vào nhà. Ông bà già Guiliano đang đợi ông trong bếp. Bữa ăn sáng gồm bánh mì, thịt nguội và cà phê đã dọn sẵn trên bàn.

Maria Lombardo Guiliano trầm tĩnh, vì thằng cháu cưng của bà đảm bảo là thằng con trai cưng của bà chắc chắn sẽ bình phục. Bà tức giận hơn là sợ sệt. Ông bố của Guiliano thì lại kiêu hãnh hơn là buồn. Con trai ông đã chứng tỏ nó là một thằng đàn ông Sicilian thứ thiệt, con trai ông thì sống mà kẻ thù của nó thì chết.

Aspanu kể lại câu chuyện cho giáo sư Adonis nghe. Lần này có pha thêm chút hài hước so với lần đầu kể cho ông bà già của Turi. Y giảm nhẹ vết thương của Guiliano và tô đậm thêm cái chất anh hùng của y khi y dìu Guiliano vào tu viện. Nhưng Hector Adonis hiểu rằng dìu một người cao to bị thương như Turi Guiliano đã đi dặm đường sỏi đá lởm chởm, lại xuống dốc, chắc chắn là phải mệt đến đứt hơi đối với một Aspanu Pisciotta cà khẳng cà kheo lại thêm cái bệnh ho lao, đâu phải chuyện đùa. Ông cũng nhận xét thấy Pisciotta liến thoắng kể lướt qua cái vết thương. Adonis sợ tình hình thực tế chắc là tệ hại hơn. Ông lên tiếng hỏi ông bà già của Guiliano, nhưng chủ yếu là hỏi Pisciotta.

- Làm sao mà lính cảnh vệ lại biết mà đến đây tra hỏi?

Pisciotta kể lại việc Guiliano đã chìa cái căn cước ra cho thằng đội cớm. Bà mẹ Guiliano giọng rền rĩ nói chen vào:

- Sao Turi không để cho bọn chúng lấy phó - mát cho rồi, mà lại đi sinh sự, rồi lại "ghè" nó là chi cho khổ?

Ông bố Guiliano hỏi móc bà vợ:

- Thế bà bảo nó phải làm sao? Tố cáo tên người đã bán phó - mát cho nó à? Bộ muốn bôi tro trát trấu vào thanh danh nhà mình sao chứ?

Hector Adonis vừa thú vị vừa thắc mắc về sự khác biệt gần như mâu thuẫn giữa hai ý kiến của hai vợ chồng. Ông biết xưa nay bà vợ vẫn sôi nổi, táo bạo hơn ông chồng. Thế mà bây giờ bà vợ lại đưa ra ý kiến chịu lép, trong khi ông chồng thì lại ra cái giọng thách thức? Và Aspanu lại cho rằng mình đã anh hùng giải cứu được thằng bạn và dìu hắn đến trốn ở một nơi an toàn. Thế mà bây giờ y tỉnh bơ nói dối ông bà già của Guiliano về tình trạng vết thương của thằng con họ.

Ông bố Guiliano nói:

- Giá nó đừng chìa cái căn cước của nó ra thì đỡ quá. Sẽ có thiếu gì anh em bè bạn của nó sẵn sàng thề rằng lúc đó nó đang có mặt ở thị trấn này với họ.

Bà mẹ Guiliano nói:

- Thế nào trước sau thì nó cũng bị bắt. - Và bắt đầu mếu máo: - Đến nước này thì nó sẽ phải lên núi ở mất thôi!

Hector Adonis nói:

- Mình phải làm cái gì, làm thế nào để chắc chắn - trong mọi trường hợp - cha bề trên không giao nộp nó cho nhà chức trách.

Pisciotta nóng nảy nói:

- Cho ăn kẹo ông ấy cũng không dám. Ông ấy dư biết là tôi sẽ treo cổ ông ấy nếu ông ấy làm như vậy.

Adonis nhìn nó chòng chọc. Cái giọng của thằng nhỏ này không phải là đe doạ suông, mà là chết người thật đó. Adonis ngẫm nghĩ trong bụng: "Làm tổn thương "cái tôi" của một thanh niên thì không phải là điều khôn ngoan. Mấy anh cớm làm sao mà hiểu được rằng nhiều khi người ta vẫn bình an vô sự khi nhục mạ một người đã lớn tuổi, nhất là khi người đó đã bị ê chề vì cuộc đời và chẳng thèm để tâm đến sự trọng, khinh của người khác. Nhưng, với đám trẻ thì chỉ một sự rẻ rúng thôi cũng đã bị coi là một sự xúc phạm không thể tha thứ được".

Ông bà già của Guiliano đang chờ sự cứu giúp của giáo sư Hector Adonis, người trước kia đã bao phen giúp đỡ con họ. Hector Adonis trầm ngâm, rồi sau đó cất tiếng vừa như nói với mọi người vừa như nói với chính mình:

- Nếu nhà chức trách biết chắc nó đang ở đâu thì cha bề trên sẽ chẳng có cách nào khác. Chính bản thân ông ta cũng đã và đang bị nghi ngờ về một vài vấn đề. Tôi nghĩ tốt hơn hết - nếu ông bà bằng lòng - là nhờ đến người bạn của tôi. Ông Trùm Croce Malo mà đã ra tay can thiệp thì trời gầm cha bề trên cũng không thả thằng Turi ra, chứ đừng nói nhà chức trách mà đòi được Turi từ tay ông ta.

Ông bà già của Guiliano rất ngạc nhiên khi biết ông giáo sư có quen biết - mà lại là chỗ bạn bè - với "tay tổ" này. Nhưng Pisciotta mỉm cười tỏ cho ông Hector Adonis biết là y đã rõ chuyện này. Adonis quay ra nói xẵng với nó:

- Chính anh cũng sẽ bị nhận diện và bị bắt. Tụi nó đã có bản tướng mạo của anh rồi!

Pisciotta khinh khỉnh đáp:

- Nhìn thấy thằng cớm già giãy đành đạch rồi chết thẳng cẳng, thì hai thằng cớm oắt đã sợ té cứt ra rồi, còn nhìn thấy gì nữa mà tướng mạo với chả tướng muội. Giá lúc đó con mụ đẻ ra nó có đứng ở đó, thì nó cũng không nhận ra được nữa là. Vả lại, tôi thiếu đếch gì người sẵn sàng làm chứng, thề rằng lúc đó tôi đang có mặt ở đó với họ. Mà chẳng cần phiền đến bè bạn làm chứng, chỉ cần thảy ra vài chục bạc cho mấy con điếm bảo nó thề rằng lúc đó tôi đang làm tình với nó, thì nó thề ngay chứ có đếch gì mà phải ồn lên cái chuyện vặt đó.

Adonis ngạc nhiên không hiểu Pisciotta học được ở đâu, học được bao giờ cái ngôn ngữ giang hồ đểu cáng ấy. Nhưng ông phải nể phục cái cung cách tỉnh bơ rất nghề nghiệp của y trước mọi nguy hiểm. Ông nói với ông bà già của Guiliano:

- Ông bà không được tìm cách thăm nom nó, không được nói với bất cứ ai, ngay cả với bạn bè thân nhất là nó đang ở đâu. Bọn cớm giăng chỉ điểm và mật thám khắp nơi. Aspanu, anh cũng chỉ đến thăm nó ban đêm. Hễ khi nào nó nhúc nhích được, tôi sẽ thu xếp để nó lẩn tránh an toàn ở một nơi khác trong thành phố cho đến khi sự việc lắng dịu xuống. Lúc đó, với chút tiền là mọi sự ổn thoả và Turi có thể trở về nhà sống bình thường. Đừng lo lắng gì về nó, chị Maria, hãy giữ gìn sức khoẻ. Và anh, Aspanu, hãy giữ liên lạc giữa nó với tôi.

Ông ôm hôn ông bà già của Guiliano. Khi giáo sư Hector Adonis rời khỏi nhà, bà Maria vẫn khóc rấm rứt.

Hector Adonis có nhiều việc phải làm. Quan trọng nhất là phải nói với Ông Trùm và tìm cách để hiện nay Turi có thể trốn an toàn trong tu viện. Nếu trời thương thì chính quyền ở Rome sẽ không trao giải thưởng cho kẻ nào cung cấp tin tức về tên sát nhân đã giết chết một cảnh sát đang thi hành công vụ, và cái ông cha bề trên quỉ sứ kia sẽ không vội bán Turi như ông ta bán đồ mạo chế các di vật thánh.

Turi nằm liệt trên giường, không nhúc nhích cục cựa gì được. Nhưng hắn còn tỉnh và còn nghe thấy ông bác sĩ nói vết thương của hắn nặng lắm, khó qua khỏi. Tuy nhiên hắn không tin rằng mình sắp chết. Thân thể hắn như bị treo lơ lửng trong không khí. Không đau đớn mà cũng chẳng sợ hãi. Hắn chỉ biết hắn không thể nào chết được. Hắn không hiểu rằng tình trạng hưng phấn của hắn trong lúc này chỉ là hậu quả của tình trạng mất máu nhiều quá.

Trong nhiều ngày sau đó, hàng ngày có một ông thầy dòng chăm sóc, cho hắn uống sữa. Chiều chiều, cha bề trên và bác sĩ đến thăm. Ban đêm, Pisciotta đến thăm, cầm tay hắn, săn sóc hắn suốt đêm. Sau hai tuần lễ, bác sĩ phải nói rằng đúng là phép mầu nhiệm.

Turi Guiliano đã bắt buộc được thân thể phải lành vết thương, phải bù lại lượng máu đã mất, phải hàn lại những lỗ thủng do đạn gây ra. Trong cơn hưng phấn, hậu quả của tình trạng mất máu, hắn đã mơ đến cái tương lai xán lạn của hắn. Hắn cảm thấy một niềm tự do mới, rằng kể từ lúc hắn bị bắn, hắn không còn phải chịu trách nhiệm về bất cứ những gì hắn sẽ làm. Luật pháp của xã hội, luật lệ khắt khe hơn của gia đình đều không có thể ràng buộc được hắn nữa. Rằng hắn tự do phạm bất cứ tội gì rằng máu của hắn đã đổ ra sẽ rửa sạch cho hắn hết và làm cho hắn thành vô tội, và, trớ trêu thay, hắn có được tất cả những điều đó lại là do một thằng cớm khốn kiếp đã bắn hắn chỉ vì hắn buôn chui có vài ký pho - mát.

Trong những ngày dưỡng bệnh, trong đầu óc hắn cứ diễn đi diễn lại cái cảnh hắn và các bạn bè trong phố tụ tập ở quảng trường để đợi thằng cặp - rằng, tay sai của một lãnh chúa đến chọn một vài đứa trong đám đi làm công nhật và trả cho đồng lương chết đói. Nếu có ai nài nỉ xin thêm thì sẽ được nghe những lời nói kênh kiệu, mỉa mai, hách dịch: "Bấy nhiêu đó, không chịu thì thôi, cút xéo, đừng có eo sèo rác tai ông" của những thằng có đủ thứ quyền thế. Sự phân phối bất công các vụ thu hoạch khiến cho có những đứa ngồi mát ăn bát vàng, trong khi có những kẻ quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối làm hùng hục, cực nhọc như lừa, mà đói vẫn hoàn đói, khổ vẫn hoàn khổ. Những kẻ có trách nhiệm cầm cân nảy mực trong xã hội thì cứ nhè thằng khố rách áo ôm mà hành, mà phạt. Trong khi đó, những thằng có của thì tha hồ muốn làm gì thì làm, muốn ức hiếp ai thì ức hiếp.

Nếu hắn lành vết thương, hắn thề rằng chính tay hắn sẽ thực thi công lý. Hắn không còn là một thằng bé bất lực trước định mệnh. Hắn tự vũ trang cả về tinh thần lẫn vật chất. Hắn chắc chắn điều này: sẽ không bao giờ hắn chịu bó tay trước kẻ khác, chẳng hạn như trước thằng Guido Quintana, chẳng hạn như thằng cớm đã bắn hắn.

Cái anh chàng thanh niên Guiliano khi xưa đã không còn nữa.

Vào cuối tháng, sau bốn tuần lễ nằm chết gí trên giường, nay theo lời khuyên của bác sĩ, Guiliano phải vận động đôi chút. Và, thế là Guiliano được trao cho một cái áo thầy dòng, mặc vào, rồi đi tà tà quanh tu viện. Cha bề trên đâm ra mến anh bạn trẻ này, thường cặp kè với anh trong lúc đi dạo và kể cho anh nghe những cuộc phiêu lưu dữ dội trong các cuộc làm ăn ở các miền đất xa xôi lúc ngài còn trai trẻ. Sự quí mến của cha bề trên chẳng giảm đi, khi giáo sư Hector Adonis gửi đến ngài món tiền đặng "xin ngài cầu nguyện cho kẻ nghèo" và chính Ông Trùm đã ngỏ ý cho cha bề trên biết là ông ta cũng quan tâm đến anh bạn trẻ này.

Về phần Guiliano, hắn cũng kinh ngạc trước lối sống của mấy ông thầy dòng. Trong lúc ở nhà quê, người ta đói khát, người ta làm lụng đến đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mà chỉ đổi lấy được 50 xu một ngày, thì các thầy dòng khổ tu Phranxixcô sống như những ông hoàng. Tu viện đúng là một lãnh địa rộng lớn và giàu có. Nào vườn chanh cam, nào những gốc ôliu có lẽ mọc từ hồi Chúa Jesus còn thò lò mũi xanh, nào đồn điền trồng tre... Rồi, còn trại chăn nuôi bò, heo, cừu, gà, vịt, gà trống, gà mái, gà tây vô vàn vô số chạy lểnh nghểnh. Ngày nào cũng như ngày nào, các thầy giòng xơi mì ống với thịt và uống rượu nho "nhà làm" từ những hầm rượu to tổ bố. Ngoài việc chăn nuôi đồng áng ra, họ còn chợ đen chợ đỏ đủ thứ, trong đó có thuốc lá, mà họ nhả khói cứ như ống khói tàu.

Nhưng họ làm việc cũng "ác liệt" lắm. Ban ngày, lúc làm việc, họ đi chân đất, áo dòng xắn lên đến tận đầu gối và mồ hôi mồ kê vã ra như tắm. Để che kín cái đầu gần như trọc lóc khỏi bị ánh mặt trời gay gắt nướng chín, họ đội những cái mũ rộng vành kỳ cục đủ màu, đen có, nâu có, kiểu như mũ của các cao bồi Mỹ mà cha bề trên đã sắm cho họ bằng cách khéo léo giao thiệp với các sĩ quan tiếp liệu của quân đội Mỹ, đổi lấy vài chai rượu "nhà làm". Và các thầy dòng giàu sáng kiến và khiếu thẩm mỹ đã chế ra đủ kiểu mũ đội đầu. Có ông thì cho vành mũ cum cúp xuống như các cao bồi Mỹ chánh hiệu, có ông thì lại cho vểnh một bên, vểnh hai bên như cái máng xối, ở đó gài dăm điếu thuốc lá. Cha bề trên ghét mấy cái mũ ấy lắm, và cấm đội, chỉ trừ khi làm việc ngoài trời. Ghét thì ghét, nhưng ngài vẫn sắm về, vì nó rẻ mạt lại che nắng rất tốt.

Vào tháng thứ hai tại tu viện, Guiliano cũng thành một ông thầy dòng. Trước sự ngạc nhiên của cha bề trên, hắn làm việc cật lực ở ngoài đồng, giúp mấy ông thầy già bưng các giỏ trái cây và ôliu chất vào kho. Càng phục hồi sức khoẻ, Guiliano càng vui vẻ làm việc, nặng nhẹ chẳng nề hà. Các thầy dòng hoặc muốn thử sức hắn hoặc muốn cho đáng đồng tiền bát gạo - miếng cơm mà hắn ăn hàng ngày, đã chất đầy giỏ của hắn. Nhưng hắn vui vẻ thi thố sức mạnh và chẳng bao giờ chùn đầu gối. Cha bề trên hãnh diện vì hắn. Không hiểu vì cảm mến hay vì muốn khai thác sức lao động của hắn, mà cha bề trên đã vui vẻ bảo hắn "muốn ở lại đây đến bao giờ thì ở. Hắn đúng là người Chúa đã chọn".

Guiliano còn được sung sướng thêm bốn tuần lễ nữa. Hắn đã trở về từ cõi chết. Và nhân đó, người ta đã thêu dệt biết bao phép lạ và vô số những điều tào lao vớ vẩn khác. Cha bề trên khoái hắn lắm, hết lòng tin cậy hắn và tiết lộ cho hắn từ những bí mật của chính đời ngài cho đến bí mật của tu viện, Ngài đã khoe với hắn rằng tất cả những sản phẩm do tu viện làm ra, chỉ để lại một ít đủ xài, còn bao nhiêu đều được đẩy thẳng ra chợ đen, chứ không có bán cho kho nhà nước theo luật định, trừ cái khoản rượu. Tu viện làm ra được bao nhiêu rượu là các thầy dòng nốc hết ráo. Đêm đến trong tu viện có vô số các thầy dòng tụ tập đánh bài sát phạt nhau, nếu không thì nhậu nhoẹt, say, ói mửa cả đống. Và ngay cả đàn bà cũng được đưa lén vào tu viện. Trước thực trạng đó, Cha bề trên nhắm mắt cho qua.

- Họ làm lụng cực nhọc, vất vả quá mà - Cha bề trên thủ thỉ tâm sự với Guiliano, - Phần thưởng thiên đường đời sau thì cũng quá xa, mà chờ thì cũng quá lâu cho nên ngay bây giờ cũng phải để cho người ta hưởng chút gọi là. Vả lại, quỉ ma thì tinh quái mà thân xác con người thì yếu hèn. Chúa chắc cũng miễn xá cho họ.

Vào một buổi chiều mưa, cha bề trên dẫn Turi đến một khu khác của tu viện được dùng làm nhà kho. Tại đây, có vô số "thánh tích" do các thầy dòng khéo tay mạo chế. Như bất cứ một tay chủ tiệm, chủ nhà máy nào khác, cha bề trên cũng than phiền thời buổi khó khăn:

- Trước kia, công việc làm ăn này phát đạt lắm, - Ngài thở dài, - Lúc đó cái kho này bao giờ cũng chỉ dùng có một nửa, vì hàng sản xuất không kịp thì lấy đâu mà tồn kho. Này, nhìn cái kho tàng thiêng liêng mà ta có này. Đây, đây là cái xương cá mà Chúa đã làm phép lạ như sách thánh đã chép "từ hai cái bánh và năm con cá, Chúa đã làm phép lạ cho hoá ra nhiều, đủ cho năm ngàn người ăn no, và gom các mẩu bánh dư thừa cũng còn chất đầy năm thúng". Con có nhớ đoạn kinh Thánh ấy không? Ấy, xương cá ấy đấy. Đây, đây là cây gậy của Moise(2) đã biến thành con rắn (3) và con rắn lại thành cây gậy. - Ngừng một lát, cha bề trên nhìn vẻ kinh ngạc của Turi với sự thích thú. Rồi cái mặt xương xương, quắt queo như mặt khỉ của cha bị nụ cười nhăn nhở, tai quái làm cho méo xệch đi. Đưa chân hất hất đống gỗ thanh, ngài vui vẻ nói: - Cái này là khoản ngon lành nhất đó à con! Hàng trăm mảnh gỗ cây thánh giá mà Chúa bị đóng đinh trên đó là do đống gỗ này mà ra. Và đây là hộp đựng di cốt của bất cứ đấng thánh nào con muốn. Ở Sicily này, không có một nhà nào mà lại không có hộp đựng di cốt một vị thánh nào đó. Nhưng mà này, di cốt các thánh chớ có phải cốt bò, cốt heo đâu mà sẵn thế. Ấy thế mà vẫn có dư. Thì đây này, nó đây. Và cứ mở khoá cái kho này ra là con có ngay trên một chục cây thánh giá của thánh An Rê, ba cái xương đầu lâu của Thánh Jeanne d'Arc. Vào mùa đông, công việc đồng áng rảnh rỗi, các thầy dòng của ta chịu khó lặn lội đi xa chào hàng. Hàng này đem bán ở nước ngoài mới lại càng vớ bẫm đó à con, hốt bạc đó à con! Turi Guiliano toét miệng cười, còn cha bề trên chỉ cười mủm mỉm. Turi nghĩ mà thấy thương mấy người nghèo mê tín bị lừa bịp biết chừng nào! Mà lại bị lừa bịp bởi chính các vị có trách nhiệm chỉ dẫn con đường giải thoát mới đau chứ?! Đó cũng là một sự kiện quan trọng mà nó cần ghi nhớ.

Cha bề trên còn khoe với nó cả một thùng phuy chứa đầy những ảnh tượng đã được chính Đức Hồng Y Giáo chủ Palermo ban phép thánh nữa. Rồi, là ba chục tấm vải liệm Chúa Jesus, hai tấm vải liệm Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Mary. Guiliano nói với cha bề trên về bức tượng bằng gỗ mun có hình dạng người da đen Châu Phi mà bà mẹ hắn có và quí hoá lắm. Nghe đâu bức tượng này hay ban ơn Thánh và được bà mẹ hắn quí còn hơn đồ gia bảo, được lưu truyền từ mấy đời nhà hắn. Ở đây, có thể mạo chế ra những tượng như vậy không? Cha bề trên cười hềnh hệch, thân mật vỗ vai và nói với hắn:

- Từ trên một trăm năm nay, tu viện này đã chế tạo được hàng trăm phiên bản như vậy bằng gỗ cây ô liu thứ tốt, giết ai cho ra gỗ mun bây giờ, và gỗ cây ôliu thứ tốt đã là hiếm, và giá trị một cây ôliu đâu có phải ít.

Tuy nhiên ngài cũng quả quyết dù là phiên bản, những bức tượng ấy vẫn có giá trị vì.... số lượng chế tạo rất ít.

Cha bề trên thấy là tiết lộ cho một tên sát nhân những tội lỗi độc địa của những con người thánh thiện thì cũng chẳng hại gì. Tuy nhiên, sự im lặng có vẻ không đồng ý của Turi làm cho cha bề trên hơi bối rối. Ngài nói chống chế:

- Con nên nhớ rằng ngay cả khi đã dâng mình cho Chúa thì con người vẫn phải sống bằng cái xác phàm hèn, yếu đuối của mình. Mà cái xác phàm hèn này đâu có đủ kiên nhẫn để chờ đợi cái phần thưởng đời sau trên cõi vinh phước. Mỗi chúng ta đều có gia đình bà con anh em, không ít thì nhiều ta phải lo, phải bao bọc, phải giúp đỡ. Nhiều thầy dòng của ta là những người nghèo khổ hoặc xuất thân từ những gia đình nghèo khổ. Mà, như lời sách thánh đã day: người nghèo là muối (4) của trần gian. Đức bác ái không cho phép ta được để cho người khác - ít nhất là bà con, anh em, con cháu ta - phải đói khát trong thời buổi khó khăn này. Ngay cả Hội Thánh phải tự vệ trước sự tấn công của kẻ thù, phải chống lại mấy thằng cộng sản, mấy thằng xã hội nguỵ trang dưới chiêu bài dân chủ tự do chứ? Mà, muốn chống lại bọn đó một cách hữu hiệu thì phải có điều kiện "đầu tiên" chứ. Ấy, bán mấy cái món mạo chế này là để lấy tiền làm việc là rất cần thiết và rất có ích đó. Thật an ủi cho Hội thánh, mẹ của chúng ta, khi chúng ta trung hiếu với người, giúp đỡ Người trong lúc người đang nguy khốn, đang đấu tranh trước bao nhiêu kẻ thù nham hiểm, mưu lược đang hãm hại Người. Ta phải bán những món thánh tích này đặng lấy tiền giúp Hội Thánh diệt bọn bất trung, "Những kẻ làm nghịch cùng Hội thánh". Vả lại, bán các thánh tích, dù là các thánh tích mạo chế, cũng là để đáp ứng nhu cầu của tâm hồn các tín hữu, các con chiên bổn đạo. Nếu ta không đáp ứng những nhu cầu ấy thì họ cũng phung phí tiền bạc vào sòng bài, vào nhậu nhẹt, đĩ điếm, hư thân mết nết đi thôi. Con đồng ý không?

Guiliano gật đầu đồng ý, nhưng tủm tỉm cười. Hắn đã học được cái thói quen không lộ nét mặt và cử chỉ bất cứ tình cảm, cảm xúc nào, chứ thật ra trong lòng hắn kinh ngạc đến rụng rời. Đúng cái tâm trạng của một người trẻ tuổi trong trắng, lý tưởng đụng phải tay đại bịp, bậc thầy về mặt đạo đức.

Cha bề trên bực bội vì nụ cười tủm tỉm của hắn. Bởi vì, ngài chờ đợi ở thằng khốn sát nhân ấy một câu trả lời sao cho nghe lọt tai một người đã lôi hắn từ ngưỡng cửa tử thần trở về, đã che giấu, cưu mang, chăm sóc hắn cả tháng trời. Thế mà bây giờ nghe nói thế hắn lại cười tủm tỉm thì không ức sao được. Ừ, câu trả lời của hắn có ba xạo đi chăng nữa, thì ít ra, vì lòng tôn kính, hàm ơn, đầu môi chót lưỡi hắn cũng phải làm ra cái vẻ thành thật. Chẳng lẽ cái thằng buôn lậu sát nhân này lại "quê rít quê róng" đến nỗi không biết được cái xã giao tối thiểu đó? Cha bề trên lạnh lùng nói:

- Con nên nhớ rằng dù ta có như thế nào đi chăng nữa thì ta vẫn có lòng trung tín với Hội Thánh, mẹ của ta. Và lòng trung tín ấy đặt trên cơ sở niềm tin vào sự mầu nhiệm!

- Bẩm vâng, - Guiliano đáp, - Và con cũng cảm thấy bằng tất cả trái tim con rằng bổn phận của Cha là giúp con tìm được phép mầu nhiệm ấy.

Hắn nói mà vẻ mặt không có một chút ma mãnh, giễu cợt nào làm như chỉ do cái ý muốn tốt lành và chân thành là làm đẹp lòng vị ân nhân của hắn. Nhưng hắn đã phải hết sức dằn lòng mới khỏi bò ra mà cười.

Cha bề trên mãn ý. Và ngài lại nhìn hắn âu yếm. Đây là một anh chàng dễ mến. Ngài đã lấy làm thú vị được có hắn làm bầu làm bạn, chuyện trò rỉ rả trong tháng qua. Nhưng điều làm cho ngài khoan khoái nhất là ngài biết rằng anh chàng này cảm thấy mang ơn ngài sâu xa lắm. Về khoản này, quả thật, Guiliano không phải là phường vong ân bạc nghĩa. Trái lại, hằng ngày, mỗi khi có dịp, hắn sẵn sàng tỏ lòng tôn kính và lòng nhớ ơn của hắn bằng lời nói và việc làm đối với cha bề trên. Hắn không hề cảm thấy hối hận về điều hắn đã phạm, tức là khử một thằng cớm.

Cha bề trên ngẫm nghĩ: "Cái gì có thể xảy ra cho một con người như vậy trên cái đất Sicily đầy rẫy những chỉ điểm, mật thám, nghèo đói, ăn cướp và vô vàn, vô số tội phạm "tép riu" khác! A, được, ngựa quen đường cũ. Một kẻ đã giết người được một lần thì sẽ tiếp tục giết nữa, nữa, nữa. Tội ác cứ như cái kềm càng ngày càng siết chặt lấy hắn". Bởi thế, cha bề trên đã quyết định nói với Ông Trùm Croce Malo dẫn hắn vào con đường - mà theo ý của ngài - rất phù hợp với khả năng và khuynh hướng của hắn.

Một ngày kia, lúc đang nằm nghỉ trên giường, Guiliano thấy có một vị khách lạ được cha bề trên đưa đến thăm. Người khách đó được cha bề trên giới thiệu là cha Benjamino Malo, một người bạn thân thiết của cha. Rồi, cha để chào hai người ngồi nói chuyện riêng với nhau. Bằng giọng ân cần, niềm nở, cha Benjamino nói:

Anh bạn trẻ, cha bề trên cho cha biết là con bị thương rất nặng, nhưng con đã bình phục như thể do phép mầu nhiệm. Cha bề trên thánh thiện ở đây khẳng định rằng chỉ có phép mầu nhiệm mới có thể làm cho vết thương của con nặng như vậy mà lành được.

Guiliano lễ phép đáp:

- Nhờ ơn Chúa rủ lòng thương.

Và cha Benjamino hơi cúi đầu như thể chính người cũng được hưởng "ké" ân sủng đó.

Guiliano chăm chú nhìn ông ta. Đây là một ông cha chưa từng phải làm lụng nắng mưa ngoài vườn, ngoài ruộng. Cái áo thụng đen của cha - cho đến tận cái gấu áo - sạch sẽ quá chừng. Mặt cha béo phúng phính, trắng nõn. Hai bàn tay mềm mại quá. Nhưng chỉ cái vẻ nghiêm trang của cha cũng đủ thánh thiện rồi. Nom cha nhu mì, hiền hậu và tưởng như cha chẳng còn thiết gì đến sự đời trần tục nữa. Và cha lại còn có vẻ khiêm nhường, hạ mình. Tiếng nói ấm áp, dịu dàng, phúc hậu của cha lại rủ rỉ bên tai Guiliano:

- Con à, cha muốn ban phép giải tội và sau đó ban Thánh Thể cho con. Con hãy xưng tội đi để con có thể ra sống ngoài đời với tấm lòng trong sạch và thanh thản.

Turi Guiliano chăm chú nhìn vị giáo sĩ vận dụng đến quyền năng siêu phàm. Hắn nói:

- Thưa cha, xin cha tha lỗi, con chưa có tâm trạng ăn năn sám hối, nếu con xưng tội mà không có tâm trạng sám hối, con e rằng tội của con không được Chúa tha mà còn mắc thêm một trọng tội nữa là làm hư phép bí tích giải tội. Đó là tội phạm thánh, phải không, thưa cha? Tuy nhiên con hết sức cảm kích vì hảo ý của cha và hết lòng cảm tạ cha.

Vị giáo sĩ gật gật nhè nhẹ cái đầu ra vẻ đồng ý và nói:

- Ừ, nếu như thế thì thêm tội nữa thật. Đúng, tội phạm thánh!

Nhưng cha lại có một đề nghị khác với con. Và đề nghị này có lẽ thực tế hơn với con ở đời này. Anh của cha là Ông Trùm Croce nhờ cha đến hỏi xem con có muốn đến nương náu đằng nhà anh ấy, ở Villiba ấy mà. Với con thì anh trả lương hậu hĩ, ưu đãi, và tất nhiên - như con đã biết - chính quyền không dám đụng đến cái lông chân của con khi con được anh bao che.

Guiliano kinh ngạc vì việc mình làm đã đến tai một người như ÔngTrùm Croce. Hắn biết là từ nay hắn phải cẩn thận, hết sức cẩn thận. Hắn ghét Mafia thậm tệ, ghét cay ghét đắng. Và hắn không muốn để cho mình bị dính vào cái lưới của chúng:

- Thật là một vinh dự lớn cho con, - hắn nói. - Tạ ơn cha và tạ ơn Ông Trùm. Nhưng con còn ông bà già. Mặc áo sao qua khỏi đầu. Ông bà già con còn, thì con phải theo ý của ông bà già con. Do đó xin cha ban cho con thời gian để lãnh ý ông bà già con đã. Ngay lúc này xin cho phép con được từ chối ân huệ của cha.

Hắn thấy vị giáo sĩ ngạc nhiên. Ở Sicily này, người ta cầu cạnh không được, chớ có ai lại từ chối sự che chở của "tay tổ" Croce nhỉ? Mà dù không muốn đi chăng nữa, cũng chẳng có ai dám từ chối một khi "tay tổ" đã yêu cầu. Bởi vậy, hắn nói thêm:

- Có thể ngày mai, ngày mốt con sẽ nghĩ khác đi. Và nếu vậy con sẽ xin đến Villaba gặp cha.

Lúc bấy giờ cha Benjamino mới hết cơn choáng do sự ngạc nhiên gây ra. Ngài đưa tay ban phép lành cho Turi Guiliano.

- Con à, hãy đi theo chân Chúa. Con sẽ luôn luôn được nồng nhiệt tiếp đón ở nhà người anh của cha.

Ngài đưa tay làm dấu thánh giá, rồi đi ra.

Turi Guiliano biết rằng đã đến lúc hắn phải rời tu viện. Tối hôm đó, lúc Aspanu Pisciatta đến thăm Guiliano bảo y phải chuẩn bị sẵn các thứ cần thiết để hắn rời tu viện và dấn thân vào cõi giang hồ. Hắn biết rằng khi cuộc sống thay đổi, hắn chỉ có Pisciotta làm bầu bạn. Pisciotta cũng chẳng có vẻ ngần ngại hoặc phản đối khi nhận được lệnh mà y biết rằng sẽ làm thay đổi một cách sâu xa cuộc sống của chính bản thân y. Sau cùng, Guiliano nói:

- Aspanu, mày muốn đi theo tao hay mày cứ ở lại gia đình mày cũng được, tuỳ ý mày!

- Bộ mày tưởng tao lại sẵn lòng nhường để cho mày hốt hết vinh quang, hưởng hết sự thú vị chắc? Để cho mày rong chơi trên núi, còn tao ở dưới này dắt lừa đi làm quần quật, đi hái ôliu mướn hả? Thế mà cũng đòi nói tình nghĩa anh em, bầu bạn. Phần tao, tao đâu có lòng dạ nào để cho mày một mình trơ trọi trên núi, khi mà từ nhỏ đến giờ, hai đứa mình - đi chơi hay đi làm - lúc nào cũng có nhau. Chỉ khi nào mày có thể tự do, thảnh thơi trở về Montelepre thì tao cũng mới trở về đó. Bởi vậy, đừng có nói chuyện điên khùng nữa đi, "cha"! Bốn ngày nữa "con" sẽ rước "cha". "Con" cần một thời gian ngắn để lo liệu và làm tất cả những gì mà "cha" vừa ra lệnh khi nãy đó!

Trong bốn ngày đó, Aspanu Pisciotta bận tíu tít. Y đã dò ra tung tích của thằng buôn lậu cưỡi ngựa đã đề nghị đuổi theo bắt Turi khi hắn bị thương. Thằng chó đẻ ấy tên là Marcuji. Và thằng ấy cũng là một tay đáng gờm, buôn lậu vào loại có hạng, tay em dưới trướng của Ông Trùm Croce, ông kẹ Quintana. Hắn cũng có một người chú ruột cùng tên, cũng có cỡ trong băng "Người anh em".

Pisciotta phát hiện ra là Marcuji có những chuyến buôn lậu đều đặn giữa Castellammare và Montelepre. Y cũng dò ra tên thằng "nhà quê" đã giữ gìm bầy la của thằng buôn lậu và mỗi khi bầy la được dắt từ trên núi xuống chuồng ở gần thị trấn Montelepre thì ngày hôm sau thằng buôn lậu sẽ có chuyến đi tải hàng.

Hôm đó, lúc vừa tảng sáng, Pisciotta đứng sẵn bên lề đường mà y biết chắc thằng Marcuji lát nữa thế nào cũng đi qua. Gã có một khẩu súng. Nhiều gia đình ở Sicily đều có súng và coi như một món đồ gia dụng cần thiết. Thật ra, dân Sicilian thường xài súng để thanh toán lẫn nhau và phổ biến đến nỗi khi diệt Mafia, Mussolini đã ra lệnh phải phá tất cả các bức tường xây bằng đá, không để cho bức tường nào cao quá 3 tấc để ngừa bọn sát nhân dùng tường làm nơi ẩn núp, phục kích.

Pisciotta quyết định khử Marcuji không phải chỉ vì thằng buôn lậu ấy đã tấn công, và đề nghị giúp bọn cớm bắt Guiliano lúc hắn bị thương, mà còn vì thằng này đã huênh hoang, khoác lác kể lại với bạn của nó. Bằng cách khử thằng buôn lậu này, Pisciotta muốn cảnh cáo bất cứ kẻ nào phản, chống lại Guiliano. Vả lại, y cũng cần khẩu súng mà y biết chắc thế nào thằng đó cũng mang theo. Y không phải chờ lâu.

Marcuji đang lùa bầy la đi Castellammare tải hàng nên gã thấy không cần đề phòng, cảnh giác. Vì thế, gã đeo khẩu súng trên vai, chứ không cầm tay sẵn sàng. Khi thấy Pisciotta đứng bên lề đường trước mặt, thằng buôn lậu cũng không cảnh giác. Tất cả những gì gã thấy chỉ là một thằng lỏi ốm o, xanh xao, có hàng ria mép trai lơ đang mỉm cười, châm chọc nhìn gã. Chỉ đến khi Pisciotta rút súng ra khỏi áo vét, chĩa vào gã thì gã mới giật mình. Gã tính phủ đầu Pisciotta và áp đảo tinh thần nó bằng một câu nói vừa hách dịch cha chú, vừa đểu cáng, xỏ lá. Gã xẵng giọng nói:

- Gõ lộn cửa rồi, con ơi! Nhìn coi mấy con la đi không, chứ làm gì đã có hàng. Bố mày mới đi, chứ chưa chở hàng về. Còn mấy con la này, nói cho con hay là của mấy ông nội mày đó. Mày mà đụng vào thì mồ tổ mà cũng không yên đâu. Kiếm chỗ khác làm ăn đi, con!

Thằng buôn lậu những tưởng đem oai mấy ông kẹ Mafia hù doạ thì thằng nhỏ này "teo" ngay. Ai dè, y không "teo" thì chớ, mà còn giở giọng ba que để đối đáp trả lại:

- Ê, thằng chó đẻ, tao không thèm lấy hàng, mà chỉ muốn lấy cái mạng chó của mày. - Điểm nụ cười độc ác y nói tiếp: - Mày đã có lần muốn làm anh hùng của bọn cớm. Mới cách nay hai tháng chớ có lâu la gì đâu, nhớ không, thằng khốn?

Marcuji nhớ ra. Gã trở đầu con la quay sang một bên làm như thể tình cờ con la lồng, quay như vậy. Nhưng thực ra là để che không cho Pisciotta thấy gã thò tay vào thắt lưng móc khẩu súng lục ra. Cùng lúc đó, gã giật mạnh dây cương cho con la quay một vòng cho tiện thể bắn. Điều cuối cùng mà gã nhìn thấy là nụ cười vừa nham hiểm vừa tai quái, châm chọc của Pisciotta. Phát đạn của gã chưa kịp bắn, thì phát đạn của Pisciotta đã lật gã khỏi yên con la và hất gã xuống đất.

Với sự thoả mãn độc ác, Pisciotta đứng giạng hai chân trên xác thằng buôn lậu, thí cho gã một phát ân huệ, rồi cúi xuống nhặt khẩu súng lục còn nằm trong tay Marcuji và tháo khẩu tiểu liên còn đeo choàng qua vai gã. Y moi hết đạn trên người thằng buôn lậu bỏ vào bao đạn của mình. Rồi tuần tự, mau lẹ, có phương pháp, y "đế" cho mỗi con la một phát, như một sứ điệp chuyển lời cảnh cáo đến cho bất cứ kẻ nào có manh tâm giúp đỡ kẻ thù của Guiliano, dù là giúp gián tiếp. Y lên đường, khẩu súng lục của y trong tay, khẩu súng lục của Marcuji thì nhét vào cạp quần và khẩu tiểu liên thì đeo lủng lẳng trên vai.

Y thanh thản, chẳng cảm thấy xót thương, ái ngại hay hối hận, áy náy gì ráo. Sự độc ác làm cho y mãn nguyện. Mặc dù y rất thương Guiliano, thằng anh họ và đồng thời là bạn chí cốt của y, nhưng mỗi đứa vẫn có lối cảm nghĩ riêng và hành xử riêng. Và mặc dù coi Guiliano là sếp, y vẫn cảm thấy phải chứng tỏ y vừa can đảm, khéo léo vừa có năng lực không thua gì Turi. Bây giờ, với bàn tay dính máu, y cũng bước ra khỏi cái vòng "yêu quái" của tuổi con trai và dứt bỏ mọi cương toả của xã hội để cùng với Turi vùng vẫy trên chốn giang hồ. Với hành động vừa rồi, y đã vĩnh viễn đứng về phía Turi Guiliano.

Hai ngày sau khi Pisciotta khử thằng buôn lâu, đúng bữa cơm tối. Guiliano rời khỏi tu viện. Hắn ôm hôn tất cả các thầy dòng tụ tập ở phòng ăn và cám ơn lòng tốt của họ. Các thầy dòng cũng cảm thấy bùi ngùi, buồn vì sự ra đi của hắn, dù rằng chẳng bao giờ hắn dự các nghi lễ tôn giáo với họ, chẳng xưng tội và cũng chẳng hề hối hận về cái tội sát nhân hắn đã phạm. Nhưng trong số các thầy dòng cũng có một vài vị đồng cảm với hắn, vì tuổi trưởng thành của họ cũng được đánh dấu bằng những tội ác tương tự và cũng chẳng cảm thấy bị xét xử gì.

Cha bề trên tiễn Guiliano ra tận cổng tu viện, nơi Pisciotta đang chờ. Ngài đã tặng nó một món quà từ biệt. Đó là bức tượng đen Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Mary mà bà Maria Lambardo Guiliano cũng có một phiên bản. Pisciotta thì được tặng một chiếc ba lô màu ôliu của nhà binh Mỹ. Guiliano cất bức tượng vào ba lô ấy.

Pisciotta nhìn cảnh cha bề trên và Guiliano từ biệt nhau bằng con mắt giễu cợt. Y biết cha bề trên cũng là trùm buôn lậu, một thành viên bí mật của Mafia và ông chủ khắc nghiệt của các nô lệ tức các thầy dòng. Bởi vậy y không sao hiểu được tình cảm bịn rịn, lưu luyến lúc chia tay của cha bề trên. Pisciotta cảm thấy có tình yêu, có sự cảm mến và nể trọng đối với Turi Guiliano. Nhưng y chẳng cảm thấy những tình cảm ấy đối với ai, dù người ấy vừa già cả, vừa có uy quyền như cha bề trên.

Dù sự cảm mến của cha bề trên đối với Guiliano có chân thành đi nữa thì cũng vẫn đượm vẻ vị kỷ. Ngài biết chắc chắn anh chàng thanh niên này một ngày kia sẽ trở thành một lực lượng không thể không tính đến ở Sicily. Phải là một tay lão luyện trong nghề dao búa, đồng thời có con mắt sành sỏi bậc thầy và một bộ óc sắc sảo nhìn xa trông rộng của một chiến lược gia có tài, thì mới có thể nhìn ra con phượng hoàng vừa chui ra khỏi vỏ trứng này. Về phần Guiliano, hắn biết ơn một cách chân thành, thuần khiết cha bề trên đã cứu sống hắn, và trên hết đã mở cho hắn thấy một thế giới mới - vừa quái gở, độc ác, lại vừa thâm trầm, quyến rũ, - cho hắn hiểu nhiều điều kỳ bí của mặt trái cuộc đời và đồng thời đã là người bạn gây cho hắn nhiều hứng thú. Trong thời gian hắn lẩn trốn tại tu viện, cha bề trên lại còn có nhã ý cho hắn sử dụng cả thư viện riêng của ngài. Điều đáng ngạc nhiên là hắn cảm mến chính cái mâu thuẫn, đối chọi giữa cái tốt và cái xấu hội tụ nơi con người này. Đối với hắn, cuộc đời như vậy cũng hồi hộp, thú vị và hấp dẫn như đi trên dây: làm điều tốt công khai đồng thời làm điều xấu kín đáo. Sự thăng bằng quyền lực giữa cái thiện và cái ác sẽ làm cho cuộc đời êm ả.

Cha bề trên và Turi ôm hôn lẫn nhau. Turi nói:

- Con mang ơn Cha nhiều lắm. Cha cứ cho gọi bất cứ khi nào Cha cần đến sự giúp đỡ của con. Con không hề từ nan bất cứ một sợ giúp đỡ nào mà Cha cần đến ở nơi con. Cha bảo gì con làm nấy.

Cha bề trên thân mật vỗ vai hắn và nói:

- Đức bác ái Ki - tô giáo không cho phép đòi hỏi sự đội ơn. Con hỡi, hãy quay trở lại con đường của Chúa và hãy kính sợ Chúa.

Nói vậy, nhưng Cha cũng biết rằng chính mình nói như một con vẹt. Cha cũng dư hiểu sự ngây thơ trong anh bạn trẻ này là thứ ngây thơ nào. Nhưng ngài rất nhớ lời hứa của Guiliano.

Guiliano khoác cái ba - lô lên vai, mặc dù Pisciotta không chịu nhận. Hai đứa sóng vai nhau bước qua cổng tu viện mà không ngoái cổ lại.

... .......

(1)Nguyên văn tiếng ý: đại khái là một loạt 1 không: không biết, không nghe, không thấy, không nói, nghĩa là nín thinh trước mọi tội ác cho dù có bị tra tấn.

(2)Moise là người được Chúa Trời uỷ thác giải phóng người Do Thái bị làm nô lệ cho người Ai Cập cách đây mấy nghìn nưm (N.D).

(3)Giavê (Chúa Trời) phán với Moise: Người cầm cái gì ở tay đó? - Bẩm, cây gậy. Giavê phán: - Hãy quăng nó xuống đất. Moise liệng cây gậy xuống đất. Lập tức, cây gậy biến thành con rắn bò ngo ngoe. Moise hết hồn, chạy trốn con rắn. Giavê lại phán: - Hãy lấy tay chụp lấy đuôi nó. Moise làm theo, đưa tay chụp lấy đuôi con rắn. Và con rắn lại biến thành cây gậy trong tay ông (Kinh Cựu ước, sách Xuất hành, đoạn 4, câu 2 - 5)

(4)Muối để ướp thịt cá cho khỏi thối. Chuyển sang nghĩa bóng, nhờ người nghèo mà loài người bớt tội lỗi (N.D).

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.