Sau Khi Có Con Ngoài Ý Muốn Với Thái Tử Địch Quốc

Chương 1: Tư Thế Ưu Nhã, Dung Mạo Vô Song



"Khúc nhạc này của Phụng Quân, không biết điện hạ thấy thế nào?"

Cung điện vàng son lộng lẫy, ánh mặt trời xuyên qua tấm rèm tơ tằm thêu những đường vân uốn lượn, phủ lên gương mặt dịu dàng của thiếu niên trong thủy tạ.

Thiếu niên mặc trường bào nhạt màu hình hạc, ngồi trước án thư, làn da trắng tựa sứ, lông mày đẹp như tranh, sợi mi dày bao bọc một đôi mắt đen sáng ngời, nhẹ nhàng rũ xuống tạo thành hai mảnh trăng lưỡi liềm trên sống mũi cao thẳng. Mái tóc đen mượt một nửa được buộc lại bằng ngọc đới, một nửa phủ lên bộ áo gấm mềm mại, xõa từ cổ xuống thắt lưng.

Tư thế ưu nhã, dung mạo vô song.

Bên ngoài thủy tạ vang lên tiếng nói cười giòn giã, nhưng người nọ dường như không để ý, ánh mắt vẫn chăm chú nhìn vào quyển thư tịch trên tay.

"Điện hạ."

Mưu sĩ Công Tôn Dương và Phạm Chu lần lượt bước vào thủy tạ.

Công Tôn Dương cười nói: "Hôm nay là tiệc Lưu Thương, danh sĩ các nước đều muốn tranh nhau khoe tài, điện hạ không muốn đi xem một chút sao?"

Người ngồi sau bức rèm là Thái tử Giang quốc, người từng chiêu mộ vô số môn khách, tiếng tăm vang vọng thiên hạ, đồng thời cũng là một trong "Tứ công tử" nổi tiếng vùng Giang Nam.

Chuyến này y nhận lời mời của Trần quốc chủ đến tham dự tiệc Lưu Thương mỗi năm tổ chức một lần.

Đây là sự kiện lớn của sáu nước Giang Nam, người tham dự đều là thương nhân và quý tộc. Mục đích chính là so tài đấu nghệ, đồng thời kết nối tình hữu nghị giữa các nước, tạo điều kiện để sáu nước cùng đoàn kết, chống lại Tùy quốc ngày một lớn mạnh ở phương Bắc.

Giang Uẩn không có hứng thú với nhóm người tài năng nổi bật này nên y nhẹ nhàng lắc đầu.

Công Tôn Dương và Phạm Chu thầm nghĩ thật đáng tiếc.

Tứ công tử lần lượt là Thế tử Vệ quốc Vệ Quân với vẻ ngoài nổi bật; Thế tử Lạc quốc Lạc Phụng Quân có tài năng âm nhạc xuất chúng; công tử Trần quốc Trần Kỳ giỏi thơ từ ca phú; cuối cùng là Thái tử Giang quốc Giang Uẩn với phẩm đức hơn người.

Sáu nước Giang Nam, năm nước còn lại đều là các nước phụ thuộc Giang quốc.

Tứ công tử được danh sĩ các nước đề cử, tuy không phân cấp bậc, nhưng so với ba vị công tử nổi tiếng với dung mạo xinh đẹp, tài năng âm nhạc và văn chương hơn người thì hai chữ "phẩm đức" của Thái tử Giang quốc ít nhiều gì cũng có cảm giác hơi mờ mịt. Dường như ngoại trừ phẩm đức ra, y chẳng có tài cán gì cả.

Là một mưu sĩ trung thành, Tôn Công Dương cảm thấy bất bình thay cho điện hạ nhà mình.

Bởi vì ông biết rõ, trừ phẩm đức cao cả mà nhiều người biết đến, điện hạ còn tài sắc vẹn toàn, giỏi thơ từ ca phú, thậm chí là tài năng âm nhạc cũng không thua kém gì ba vị công tử còn lại.

Chỉ là điện hạ xưa nay sống khiêm nhường, mà người khác lại thích phô trương khoác lác, trước giờ chưa từng để lộ tài năng trong mấy dịp quan trọng như tiệc Lưu Thương, nên mới bị gán cho hai chữ phẩm đức không rõ ý tứ này.

Thậm chí còn có vài kẻ buôn chuyện không rõ sự tình, nói xấu sau lưng điện hạ, bảo rằng danh xưng này chẳng qua là danh sĩ các nước ngại trở mặt với Giang quốc, nên mới miễn cưỡng khen cho có lệ. Trong số Tứ công tử, người tài sắc vẹn toàn, thông thạo nhạc văn chỉ có thể kể đến ba vị còn lại.

Nhất là vị nhạc công tử Lạc Phụng Quân và văn công tử Trần Kỳ, nếu bảo rằng họ may mắn được trời cao phú cho vẻ ngoài nổi bật, vậy thì tài năng âm nhạc xuất chúng và văn chương trôi chảy phải tốn nhiều thời gian mới trau dồi được. Mất đến mười năm thậm chí là vài chục năm khổ cực luyện tập, tuyệt đối không thể chỉ dựa vào mỗi danh xưng.

So sánh một hồi, hai chữ phẩm đức của Thái tử điện hạ khác gì được thêm vào cho có!

"Đứng đầu cuộc thi nhạc, Thế tử Lạc quốc Lạc Phụng Quân."

Cùng với âm thanh đọc tên, bên ngoài thủy tạ vang lên từng đợt hoan hô.

Tiệc Lưu Thương dựa vào lục nghệ* của quân tử, đề ra tổng cộng sáu cuộc thi, Lạc Phụng Quân có thể đứng đầu cuộc thi nhạc, cũng không có gì bất ngờ.

*Lục nghệ: bao gồm Lễ (lễ nghĩa), Nhạc (âm nhạc), Xạ (bắn cung), Ngự (cưỡi ngựa) Thư (thư pháp) và Số (Toán học).

Chỉ là Lạc Phụng Quân xưa nay lạnh lùng cao ngạo, lại là Thế tử Lạc quốc giàu có, ngày thường đám công tử quý tộc muốn nghe hắn đàn một khúc còn khó hơn lên trời, nên dù biết trước kết quả, mọi người vẫn không kiềm được kích động.

Chỉ có mình Công Tôn Dương lẩm bẩm vài câu với Phạm Chu: "Khúc "Ngô Đồng Dẫn" này, ta thấy điện hạ nhà mình đàn còn hay hơn."

Trên đài ngọc, Lạc Phụng Quân khoác bạch y, ngạo nghễ ôm đàn đứng dậy, ánh mắt thản nhiên liếc nhìn xung quanh. Ngoài tài năng âm nhạc ra thì ngoại hình của hắn cũng rất nổi bật. Đối với hắn, việc được mọi người chú ý và dõi theo cũng bình thường như cơm bữa, hắn không để tâm, thậm chí còn chẳng thèm nhìn đám người đó một cái. Ánh mắt hắn rơi vào bóng người sau bức rèm trong thủy tạ, cười hỏi: "Khúc nhạc này của Phụng Quân, không biết điện hạ thấy thế nào?"

Các vị quan bình phẩm trong tiệc Lưu Thương phần lớn đều do danh sĩ các nước hội tụ lại, Giang Uẩn là Thái tử nước chủ, còn là một trong Tứ công tử cùng với Lạc Phụng Quân, theo lý không nằm trong danh sách quan bình phẩm. Lạc Phụng Quân bỗng dưng hỏi một câu như vậy, lập tức dẫn mọi ánh mắt về phía Giang Uẩn.

Rèm tơ phủ thấp, mọi người chỉ thấy một bóng dáng mờ mờ ảo ảo.

Công Tôn Dương tính tình vốn nóng nảy bỗng cau mày, điện hạ là Thái tử một nước, thân phận cao quý, một tên công tử nhỏ nhoi của nước phụ thuộc lại dám mạo phạm điện hạ như vậy, quả thật quá mức vô lễ.

Người thứ hai cau mày là Giang Uẩn.

Y đã cố tình tránh né để khỏi dính dáng đến những cuộc tranh đấu vô vị này, nhưng không ngờ vẫn bị người khác kéo vào.

Vị Lạc Phụng Quân này vốn đã có tiếng ở vùng Giang Nam, là một trữ quân phẩm chất cao quý, y không thể làm lơ người ta được.

Công Tôn Dương đang định quở trách, lại bị Giang Uẩn giơ tay ngăn lại.

Giang Uẩn buông thư tịch, cách một bức rèm khiêm tốn đáp: "Khúc này của Lạc Thế tử, khiến đầu óccô* thư giãn, như thể lạc vào cõi tiên, quả thật xứng danh với hai chữ tuyệt khúc."

*Cô: Khiêm xưng của Thái tử.

Giang Uẩn tinh thông nhạc lý, vừa nãy lúc Lạc Phụng Quân gảy đàn, y đương nhiên nghe được toàn bộ khúc "Ngô Đồng Dẫn". Từ góc độ chuyên môn mà nói, tài nghệ của Lạc Phụng Quân quả thật không có gì để bắt bẻ, thậm chí còn vượt qua xa những nhạc gia nổi tiếng khi xưa.

Có thể nhận được lời khen như vậy từ Thái tử nước chủ thì còn gì tốt bằng.

Mọi người lập tức khen ngợi một phen, chúc mừng Lạc Phụng Quân, thậm chí có người còn đề nghị ghi chép việc hôm nay thành một bài văn xuôi.

Nào ngờ Lạc Phụng Quân không hề dao động, trái lại ánh mắt vẫn chăm chú nhìn vào bóng dáng sau bức rèm tơ tằm trong thủy tạ, nói: "Nghe danh điện hạ cũng tinh thông âm luật, còn là cao thủ âm nhạc, mười một tuổi đã nổi danh khắp Giang đô nhờ gảy một khúc "Phượng Cầu Hoàng", nhân dịp hôm nay, liệu điện hạ có thể hạ mình thi đấu một lần với Phụng Quân không?"

Lời vừa dứt, mọi người lập tức ồn ào.

Thứ nhất, Giang Uẩn là Thái tử nước chủ, Lạc Phụng Quân liên tiếp gây hấn, đây là bất kính với bề trên.

Thứ hai, từ trước đến nay, Giang Uẩn giống như người vô hình mỗi khi tham gia tiệc Lưu Thương, bởi vì thân thể y ốm yếu, thích yên tĩnh, lại "không có tài năng đặc biệt gì", vị điện hạ này hầu như đều ở trong thủy tạ được treo sẵn rèm chắn, chưa từng tham gia bất cứ hoạt động thi đấu nào, cũng rất hiếm khi lộ mặt.

Nghe nói ngay cả khách khứa tại nơi đây, người thấy được dung mạo thật sự của Thái tử cũng chẳng được mấy ai.

Bởi vì chuyện này, thậm chí còn có lời đồn, Thái tử bởi vì vẻ ngoài xấu xí nên không dám gặp người khác, chỉ có thể dựa vào mỹ danh phẩm đức mà chắp vá chút thể diện.

Đối với vị Thái tử xưa nay chưa từng bộc lộ tài năng của mình ở tiệc Lưu Thương, mọi người đều ôm tâm trạng đoán non đoán già.

Có người nói vị Thái tử này không tranh với đời, hành sự khiêm tốn, không muốn giành nổi bật với các nước phụ thuộc. Cũng có người đồn bởi vì y tư chất tầm thường, vốn dĩ không có tài nghệ gì đặc biệt, sợ thi đấu thua sẽ bị các nước phụ thuộc áp đảo, chỉ đành trực tiếp "giấu tài" giữ lại chút thể diện cho nước chủ.

Còn về việc năm mười một tuổi y đàn một khúc "Phượng Cầu Hoàng" nổi danh thiên hạ, rất có thể là vì tạo dựng danh tiếng nên nhờ người đàn giúp! Người sáng tác khúc "Phượng Cầu Hoàng" là Đoàn hầu của Tề quốc, một thiên tài âm nhạc ngàn năm khó gặp. Khúc "Phượng Cầu Hoàng" vừa ra đời đã dẫn đến vô số nhạc gia mô phỏng theo. Nhưng nhiều năm trôi qua, không một ai có thể hoàn hảo thể hiện được tinh hoa trong đó. Người duy nhất thể hiện được vài phần tương tự là con trai của Đoàn hầu - công tử Tề quốc Tề Tử Kỳ. Một đứa nhỏ chỉ mới mười một tuổi, sao có thể đàn được khúc "Phượng Cầu Hoàng" với độ khó cao như vậy?

Chính vì Lạc Phụng Quân là một thiên tài âm nhạc, âm nhạc mới có thể được mọi người biết đến, mà lúc này hắn lại khiêu chiến với Giang Uẩn có tài nghệ tầm thường, chẳng phải là muốn làm y mất hết mặt mũi hay sao?

Các vị đại thần Lạc quốc đi cùng cũng bị dọa một phen, vội bước lên ngăn cản.

Nhưng Lạc Phụng Quân tỏ vẻ ý đã quyết, căn bản không dao động, ánh mắt vẫn như cũ nhìn về phía Giang Uẩn.

Công Tôn Dương không nhịn được tức giận: "Lạc Thế tử, ngài có biết bản thân đang làm gì không?"

Lạc Phụng Quân từ tốn đáp: "Đương nhiên biết, Phụng Quân ngưỡng mộ điện hạ đã lâu, vốn muốn tìm cơ hội để so tài một phen, Phụng Quân biết bản thân mình thấp hèn, không có tư cách mở lời khiêu chiến. Có điều, tiệc Lưu Thương vốn là yến tiệc của sáu nước Giang Nam, ban đầu đã quy định không phân địa vị cao thấp, chỉ so tài đấu nghệ. Điện hạ không muốn hạ mình thi đấu, trừ khi là xem thường Phụng Quân, cảm thấy Phụng Quân không xứng gảy đàn cùng điện hạ? Hay là, điện hạ cảm thấy những nước phụ thuộc như chúng ta, không xứng so tài với nước chủ?"

Ngay cả người có tính cách trầm ổn như Phạm Chu cũng lộ ra mấy phần không vui.

Thầm nhủ, hay cho một tên Lạc Phụng Quân nhanh mồm dẻo miệng, vậy mà dám mượn tiệc Lưu Thương để gây hấn với điện hạ. Bề ngoài, tiệc Lưu Thương là yến tiệc tụ tập của sáu nước, nhưng trong lòng mọi người đều rõ, ý nghĩa đằng sau là duy trì quan hệ đồng minh giữa các nước. Điện hạ thân là Thái tử nước chủ, nếu từ chối yêu cầu của Lạc Phụng Quân trước mặt nhiều người như vậy, điều này giống như coi thường các nước phụ thuộc, quả thật gây bất lợi cho quan hệ sáu nước.

Mà Tùy quốc hiện nay như hổ đói rình mồi, sẵn sàng ra trận bất cứ lúc nào.

Lời của Lạc Phụng Quân làm không ít người dấy lên nỗi lo âu, chưa kể vài kẻ hóng chuyện bên cạnh, từ lâu đã tò mò về vị Thái tử Giang quốc thần bí này, bọn họ cũng muốn mượn tay Lạc Phụng Quân vén lên lớp màn bí ẩn đằng sau y, xem xem vị Thái tử đó rốt cuộc xấu đến cỡ nào, tài nghệ kém cỏi ra sao. Đám người không hẹn mà cùng đứng xem kịch, thậm chí còn hiện lên chút chờ mong.

Suy cho cùng người ra mặt là Lạc Phụng Quân, cho dù thật sự đắc tội với Giang quốc thì Giang quốc cũng không thể giáng tội xuống người họ được.

Im lặng hồi lâu, mãi đến khi Công Tôn Dương và Phạm Chu cảm thấy phải sứt đầu mẻ trán một phen thì phía sau bức rèm lại vang lên một giọng nói trong trẻo như tiếng ngọc rơi vào dòng nước.

"Vốn không phải như lời Lạc công tử nói."

"Là tài nghệ cô kém cỏi, ngũ âm không bằng người, từ lâu đã không còn gảy đàn nữa."

"Cô nhận thua."

Sắc mặt Công Tôn Dương và Phạm Chu đồng thời thay đổi.

Đình lớn chật kín người, trước mặt nhiều nước phụ thuộc như vậy, điện hạ lại trực tiếp nhận thua với một tên công tử, còn ra thể thống gì nữa!

Các nước khác ai nấy đều bày ra vẻ mặt khác nhau.

Không ngờ vị Thái tử Giang quốc này lại giống hệt như lời đồn, tư chất tầm thường, lục nghệ không thông. Ngay cả công tử Vệ quốc Vệ Quân với vẻ ngoài xinh đẹp xuất chúng, chẳng những có thể viết được một bức thư pháp điêu luyện, mà còn là một tay họa sĩ đáng gờm nữa kìa!

Xem ra lời đồn về dung mạo xấu xí, chắc là cũng không sai vào đâu được.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.