Hai ngày sau tôi thẫn thờ cả người, đi làm không có lấy một chút tinh thần nào, đi chơi lại càng không có hứng thú. Cả ngày cứ ngơ ngẩn như thể bị bệnh đến nơi.
Hôm nay tan ca trễ hơn một tiếng. Tôi đứng ở trạm số 56 chờ hơn nửa tiếng nhưng không đón được xe nên định bụng đi bộ về nhà. May là công ty cách nhà không xa lắm, coi như giải sầu vậy. Hai ngày nay trong lòng đầy sầu muội, tôi vẫn còn canh cánh chuyện tăng ca ngày hôm trước.
Lúc đến trạm Tây Môn, một chiếc xe buýt từ giữa đường lao tới suýt chút nữa đâm vào tôi. Bảo vệ đứng ở cửa to tiếng quát tôi một phát tôi liền mắng lại. Nói về việc chửi đổng như thế tôi chẳng thua một ai, chỉ là hôm nay muộn phiền trong lòng nên có hơi khác.
Lúc đến dưới tòa nhà tôi,đột nhiên tôi muốn tìm Giả Khoa uống rượu nên đứng dưới đó gọi điện thoại cho cậu ta. Khi ấy từ trên lầu có một người đi xuống, đến khúc rẽ cạnh cầu thang cứ như vì nhìn thấy tôi nên quấn quít rụt người lại
Tôi mừng như điên kéo em lên lầu sáu. Tôi không hỏi em bất cứ điều gì, chỉ cần em đồng ý ở với tôi thôi là tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Em bối rối mãi cho đến sau bữa cơm chiều, tôi dọn dẹp căn phòng để cho em đi ngủ sớm.
Tôi cho bộ quần áo em đã mặc vào máy. Trước khi cho vào, vì sợ nhỡ sẽ giặt nhầm thứ gì đó nên tôi bới từng túi ra. Kết quả lại tìm thấy hai tờ giấy nhăn nhúm. Một tờ là vé xe đi đến núi Thanh Thành, tờ kia là miếng giấy hôm đó tôi để lại cho em. Tôi cười.
Buổi sáng lúc tôi đi làm em vẫn chưa ngủ dậy. Tôi để đồ ăn sáng trên bàn rồi mới đi. Đồ ăn sáng là tôi ra ngoài mua. Lúc một mình tôi thường ngủ đến khi trời sáng bảnh mới tỉnh dậy rồi vội vội vàng vàng chạy tới công ty. Ăn sáng ăn trưa cũng không đâu vào đâu. Nhưng giờ em về đây rồi nên mọi thứ cũng có đôi chút thay đổi. Cơ thể đó của em không chịu nổi đời sống sinh hoạt không có quy luật như vậy được.
Qua mười giờ tôi gọi điện về nhà, em nói em đã dậy rồi, ăn cũng ăn rồi. Tôi ăn em trưa nhớ xuống quán dưới lầu ăn cơm, sáu giờ tối nay tôi sẽ về.
Lúc tan làm trên đường về nhà còn mua chút đồ nấu sẵn đem về làm cơn. Lúc tôi vào cửa lại bất ngờ ngửi thấy mùi đồ ăn. Minh Lâm em bưng một chén canh từ phòng bếp ra rồi nói: Về rồi à, ăn cơm thôi.
Tôi nhìn đồ vừa mua mà không ăn nổi được nữa, định bụng bỏ vào tủ lạnh làm đồ ăn cho sáng mai. Chiếc tủ lạnh xưa giờ vốn chỉ có bia giờ lại đầy ắp đồ ăn, chắc chắn là em đã mua về.
“Em còn biết nấu ăn à?” Tôi ngồi vào bàn cơm mà không khỏi ngạc nhiên. Từ khi gặp em ở chỗ Giả Khoa em vẫn luôn mua đồ ăn ngoài.
“Em biết. Từ năm mười tuổi em đã nấu cơm cho cha rồi.”
“Sao em lại làm? Mẹ em đâu?”
“Chết rồi. Lúc sinh em ra đã chết rồi. Em có một người chị, năm em lên cấp một chị ấy được gả cho người ta, thành ra tất cả việc trong nhà đều do em làm.”
“Đúng rồi, em chuyển đến chỗ anh vậy có nói cho gia đình không? Lỡ như họ không tìm được em…”
“Sẽ không có ai tìm em đâu.”
Em rũ mắt im lặng ăn cơm, đến tiếng húp canh cũng không phát ra tiếng.
“Từ khi nào em phát hiện ra bệnh của mình vậy?”
“Năm ngoái xưởng tụi em tổ chức nghĩa vụ hiến máu. Em bị chọn đi, kết quả tra ra được.”
“Người trong xưởng đuổi em à?”
“Không, bọn họ biết đó không phải lý do để đuổi em nhưng ai trong xưởng cũng tỏ vẻ sợ hãi vô cùng. May lúc đó xưởng điều chỉnh lại các bộ phận, bộ phận của em bị cắt giảm. Nên họ cứ thế viết tên em vào danh sách nghỉ việt. Cứ vậy danh chính ngôn thuận thôi.”
“Người nhà em nói thế nào? Em bệnh vậy mà không ai quan tâm sao?”
“Tất nhiên là có. Cha đã dặn em rất nhiều rằng sau này em đừng về nhà nữa. Nhà em ai cũng làm máy móc nên để người quen thấy sẽ rất mất mặt. Cha ném hết tất cả đồ đạc của em vào trong vườn giống như đuổi em ra khỏi nhà nhưng lại không đưa sổ tiết kiệm cho em. khi đó trên người em chỉ còn đúng năm tệ. Bản thân em thấy vẫn ổn, ít nhất em vẫn còn là thứ khiến ông ta chú ý đến chứ không phải vứt bỏ hoàn toàn.”
“Rồi em sống thế nào? Có ai giúp em không?”
“Có. Em ở nhà bạn được vài ngày thì chị em có tìm đến, chị ấy đưa cho em bốn trăm tệ, tiếp đó em tìm được việc làm nên ở luôn chỗ ở của công ty, là công ty Giả Khoa ấy. thật ra em cũng suôn sẻ mà.”
“Nhưng chị em cũng không tệ bạc với em, em gọi điện nói cô ấy đến thăm em đi.”
“Không cần, chị ấy không đến đâu. Chị ấy tốt thì tốt với em đấy nhưng vẫn sợ. Lúc cho em tiền, đến cả tay em chị ấy còn không dám đụng vào. Chị ấy cũng giống như người khác thôi, không biết bệnh này rồi sẽ thế nào. Chỉ biết nó rất sợ, dính vào là chết.”
“Vậy người bạn đó của em có còn liên lạc không?”
Nhắc đến người bạn đó. Gương mặt em trở nên trắng bệch. Tôi không hỏi tiếp nữa, chỉ đoán rằng chắc chắn lúc quen em họ không biết đến em bị bệnh, sau đó không nói cũng biết.
Ăn tối xong, tôi xuống lầu thuê hai cuốn băng, làm thẻ thuê theo tháng. Bình thường tôi không có thời gian xem mấy bộ phim này, cũng không thích tiêu khiển như vậy, nhưng tôi sợ ban ngày em sẽ nhàm chán.
Đêm lúc đi ngủ, em đứng trước cửa phòng còn nói với tôi rằng: “Ngày nào đó anh thấy em phiền quá thì cứ nói thẳng với em. Em sẽ đi ngay, không ăn vạ ở đây đâu.”
Dù tôi đã cố hết sức khiến em được tự do thoải mái nhưng em với tôi lại cẩn thận e dè. Em phân tích vị trí trong căn nhà này rất rõ ràng. Từng chút quan tâm tôi trao em em đều rất cảm kích, coi đó như ân huệ. Tôi không thích em xem tôi như một vị cứu thế, cũng không muốn khiến em cảm thấy rằng lòng tốt tôi cho em là cảm thông. Tôi không có cách nào bày tỏ tình cảm này với em một cách rõ ràng. Tôi muốn nói với em đó là tình yêu, nhưng lý do thì ngay cả tôi cũng không thể thuyết phục được mình.
Dù em có thế nào đi chăng nữa, chỉ cần em ở bên tôi, vậy là được rồi.
Sáng nọ lúc đi làm, Tiểu Trần có đưa cho tôi một con chim oanh mỏ đỏ. Cậu ta nói vốn là có một cặp nhưng cục cưng Ami của vợ cậu ta ăn mất một con rồi. Cậu ta không dám nuôi nữa nên tặng nó cho tôi. Tôi không thích nuôi những động vật nhỏ, nhưng nghĩ đến việc đem về nhà cho Minh Lâm giải sầu cũng khuây khỏa, thế là nhận.
Tôi gọi cho Minh Lâm, em nói loài chim đó phải nuôi một đôi, một con sẽ không sống được. Sau khi tan làm tôi bèn chạy thẳng đến chợ bán chim và hoa ở đoạn cầu Thanh Thạch để kiếm một con nữa cho con chim này.
Về nhà, quả nhiên lúc trông thấy cặp chim này em rất vui. Em treo lồng ở trên ban công rồi rót thêm chút đồ ăn và nước cho chúng. Hai con chim oanh tranh nhau tát nước lên đầu.
“Tụi nó làm gì vậy?”
“Tắm đấy. Loài chim này thích sạch sẽ mà.”
“Sao em biết?”
“Hồi trước cha em có nuôi chim. Nuôi nhiều lắm, tất cả chúng nó đều là em cho ăn mà.”
Nhắc những chuyện trước kia, khuôn mặt em luôn hạnh phúc.
Ăn cơm xong tôi cùng em xem phim băng. Tiếng chim trên ban công cứ kêu liên hồi, còn đập cánh liên tục.
“Sao bây giờ vẫn còn hót nhỉ? Muộn lắm rồi mà.” Em nhìn sang ban công.
“Chuyển nhà mới, lại tìm được vợ mới nên chắc hơi lục đục.”
Minh Lâm nghiêng tai nghe một lúc rồi nói: “Không phải chứ, sao em nghe cứ như đánh nhau.” Em đứng dậy đi ra ban công.
“Kiện Vũ!” Em đứng ngoài ban công gọi tôi. Sau đó cầm lồng chim đi vào. Trong lồng toàn là máu, một con chim nằm bên trong đang run rẩy, trước ngực nó là máu. Con còn lại trông có vẻ không sao, đang đứng trên vòng treo chải chuốt lại bộ lông của mình.
“Sao lại như vậy?” Tôi hỏi.
“Anh mua chim thế nào, không phải là một đôi hả? Có phải nhốt hai con đực vào một lồng không?”
“Có gì khác nhau à?”
“Chim đực ở cùng thì đánh nhau đấy.”
“Lão bán chim lừa anh. Lão nói nó là một đôi.”
Tôi thấy em rất buồn bèn đùa: “Đúng là con của Tiểu Trần mạnh. Không hổ là đánh nhau với cả mèo.”
“Chim chết thì em thấy nhiều rồi. Nhưng chưa từng thấy nó bị đồng loại đá chết như thế này.” Lúc em nói trông em u ám vô cùng.
Con còn lại vui vẻ hót líu lo. Em nhìn sang nó rồi nói: “Có gì vui hả, còn một mình mày cũng không sống lâu được đâu.”
“Chắc không đâu, nó thoát được khỏi móng vuốt của mèo, chắc chắn là mệnh rất vững, sao mà chết được.” Tôi nói.
“Không có thứ gì sống lẻ loi đơn độc một mình cả.” Em bĩu môi, nhấc lồng chim vào phòng vệ sinh dọn dẹp.
Ngày hôm sau, em đi siêu thị mua một chiếc gương nhỏ rồi dùng sợi dây móc nó trong vào lồng. Em nói chim oanh mỏ đỏ nhìn gương này như thấy người bạn của mình bên trong đó vậy, như thế nó sẽ không còn đơn độc nữa, cũng sẽ không chết. Tôi còn lo cách này sẽ không có tác dụng với nó, có khi nó coi kẻ trong gương là kẻ địch cũng nên.
Thời gian có em vui vẻ biết nhường nào. Mỗi ngày tan làm xong tôi đều chạy thẳng về nhà, vội vàng nghe em kể những chuyện vụn vặt bé nhỏ đã xảy ra trong hôm nay. Ăn đồ em nấu rồi nghe em nói về tin tức trên TV, hoặc là con chim oanh mỏ đỏ kia như thế nào, nó làm tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Hình như tôi đã thay đổi thật rồi. Cuộc sống của tôi đã biến thành một vòng tròn nhỏ nhưng lại vui. Lúc trước tôi coi thường kiểu sinh hoạt khuôn phép gò bó thế mà giờ nó lại hấp dẫn với tôi một cách khủng khiếp.
Chỉ là tháng ngày vui vẻ cũng có một bóng ma. Nhưng với tôi và em mà nói, càng hạnh phúc thì lại càng sợ hãi tương lai sau này. Em bắt đầu có triệu chứng rất nhỏ, sốt liền tù tì hai tuần liền, ho khan không ngừng. Em uống vào rất nhiều thuốc cảm, nhưng tôi và em đều biết điều đấy chỉ vô dụng mà thôi.
Tôi không nhìn được nữa bèn khuyên em: “Em đến bệnh viện đi, cứ như vậy không phải là chuyện tốt.”
“Em không đi. Tiền chữa trị đắt đỏ quá, một năm hơn mười vạn.”
“Tiền em không cần lo. Đến bệnh viện có bác sĩ chuyên môn chăm sóc cho em, bệnh của em sẽ được khống chế.”
“Khống chế rồi sao nữa? Ngày nào cũng uống thuốc liên miên, kéo dài thêm được một hai năm, cuối cùng rồi cũng chết.”
“Có khi một hai năm nữa là có thuốc trị tận gốc, vậy chẳng phải em sẽ khỏe hẳn sao?”
Nghe tôi nói xong em có hơi suy nghĩ rồi đáp: “Có phải, có phải anh không muốn em ở đây không? Em biết em ở đây hai tháng nay anh không ra ngoài chơi. Nếu anh có bạn đến thì em sẽ trốn đi. Anh muốn em chuyển thật thì em sẽ chuyển. Em không gây phiền phức gì cho anh đâu.”
Tôi kéo em vào lòng rồi nói: “Em định đi đâu? Anh chỉ muốn em đi khám bệnh, không có ý gì cả.”
“Nhưng em thật sự không thích bệnh viện, em không muốn phải chết ở trong đó.”
“Không ai để em chết trong đó cả. Đi đến đấy để chữa bệnh, hết bệnh rồi thì ra ngoài thôi không phải sao? Nói chết làm cái gì, xui quá.”
“Lỡ như không ra được thì sao?” Giọng em nói còn đôi phần chua chát.
“Để bác sĩ khám vẫn tốt hơn là tụi mình lo lắng mãi. em không thích ở bệnh viện thì không ở, đến lấy thuốc thôi rồi về nhà ăn cơm, anh chăm sóc cho em.”
Cuối cùng em cũng gật đầu. Chúng tôi cứ thế ôm chặt lấy đối phương, lâu thật lâu mà không ai muốn buông ra.
Sau khi đi bệnh viện với em thì lòng tôi vững vàng hơn đôi chút. Dù sao tôi cũng biết làm thế nào để khống chế được bệnh tình của em. Bác sĩ giới thiệu cho tôi một vài loại thuốc tốt, đến lúc liệt kê chi phí các loại ra tôi mới thật sự nhìn rõ được vấn đề.
Tôi thật sự hối hận vì khi đó không nghe lời Giả Khoa. Đáng ra tôi nên có kế hoạch cho cuộc sống mới phải, dành chút tiền cho những khi cấp bách, nhưng rồi tôi chẳng có. Ngày ấy khi em nói tiền thuốc một năm mười vạn tôi còn tự tin nói em đừng lo lắng. Nhưng hôm nay nhìn thấy đơn thuốc này thì bao nhiêu sự tự tin của tôi cũng biến mất đâu hết cả.
Tất nhiên đơn thuốc tôi không để cho em thấy. Em rất lo về chi phí, một ngày hai ba trăm tiền thuốc em sẽ không chịu đâu. Tôi lừa em rằng bây giờ bệnh chỉ mới giai đoạn đầu nên rất dễ khống chế thảnh ra tiền thuốc cũng không quá đắt. Chỉ có như thế mới giúp em an tâm chữa bệnh.
Em rất nghe lời, ngày nào cũng uống thuốc đúng giờ đúng giấc. Tác dụng của thuốc cũng có tác dụng tích cực với em nên tinh thần cũng tốt lên từng ngày. Nhìn em dần hồi phục sức sống tôi lại càng hoảng hốt. Tiền trong sổ tiết kiệm của tôi đã không còn bao nhiêu nữa rồi.
Tôi vốn không có thói quen tiết kiệm, cứ sống nay đây mai đó không ra làm sao cả. trong sổ tiết kiệm còn bảy ngàn chính là số tiền thưởng cuối năm ngoái của tôi. Là Giả Khoa đã khuyên tôi tiết kiệm. Để tôi tiết kiệm chỗ tiền kia trong tương lai, Giả Khoa còn mời tôi ăn cơm, nói đạo lý với tôi một hồi, xin ông xin bà thì tôi mới nghe lần đó.
Bây giờ tôi hối hận rồi, tôi thật sự phát sầu vì tiền rồi.
Tôi không dám tưởng tượng một khi ngừng thuốc em sẽ thế nào nữa. Toàn bộ mạng sống của em đều phụ thuộc vào loại thuốc hơn mười tệ một viên đó.
Tôi tìm người vay tiền, đầu tiên nghĩ đến chính là Giả Khoa. Trước kia cậu ta vẫn luôn giúp đỡ tôi nhưng bây giờ đã là người sắp kết hôn, tôi nghĩ đây không phải là ý kiến hay lắm. Nhưng nghĩ đến Minh Lâm, tôi vẫn gọi điện cho Giả Khoa, nói muốn vay chút tiền để đầu tư, hẹn cậu ta ra nói chuyện.
Chúng tôi gặp nhau tại quán trà ở cổng phía tây.
“Cuối cùng mày cũng tỉnh táo rồi! Tao còn tưởng mày định ăn chơi cả đời cơ đấy.”
“Thì đó, thấy cuộc sống mày hạnh phúc tao hâm mộ ấy mà.”
“Rồi tính làm cái gì, làm mấy mã đi. Tao giới thiệu cho vài cái. Mày cũng không cần lo nhiều, làm theo tao là được. Tao có tin nội bộ, ổn lắm.
“Mày nói sao thì cứ là vậy đi, nhưng về chuyện tài chính thì.. mày biết người như tao có để dành tiền đâu.”
“Vậy đi, tao chia cho mày vài cổ phiếu, có lãi thì lãi. Sao, có ok không người anh em!”
Tôi biết là Giả Khoa cho tôi kinh doanh mà không tính toán điều gì. Nhưng chờ chia hoa hồng trên cổ phiếu đó thì biết tới khi nào, tôi có thể đợi nhưng em thì lại không. Thứ tôi cần bây giờ là tiền mặt. Giả Khoa vẫn đang huyên thuyên về thứ lợi nhuận về cổ phiếu của cậu ấy, tôi cẩn thận cắt ngang rồi nói: “Mày có thể cho tao mượn ít tiền mặt được không? Mấy nay tao xoay mãi mà không được.”
“Mày đấy, để tao nói cho mà nghe.” Nói rồi Giả Khoa rút từ trong túi da ra ba tờ một trăm để lên bàn. Tôi biết Giả Khoa hiểu lầm nên không đưa tay nhận tiền đó.
‘Lấy đi, sao vậy? Khách sáo với tao thế.” Giả Khoa đẩy tiền ra trước mặt tôi.
“Không đủ, tao mượn mày một vạn được không?” Tôi nói một cách dứt khoát, trong lòng cũng căng thẳng không thôi.
Mặt mày Giả Khoa bắt đầu có vẻ khó khăn: “Cần nhiều tiền vậy làm gì?”
“Tao cần dùng gấp. Mày tin tao, tao sẽ trả lại. Năm ngàn cũng được, tao xin mày đấy.”
“Mày lấy nó làm cái gì? Đừng giấu tao.”
“Không gì cả chỉ là cần chút tiền. Thật sự không có gì hết.”
“Không khai thật chứ gì. Vậy một cắc tao cũng không cho mượn.” Giả Khoa rút lại ba trăm trên bàn trông rất nghiêm túc. Trong lòng tôi vội vã, nghĩ cái cớ đường hoàng để Giả Khoa không thể nào từ chối được.
“Không phải! không phải! Mày nghĩ gì vậy. Tao là loại người đó hả!” Tôi cuống quýt lắc đầu phủ nhận: “Tao với bạn kinh doanh thua lỗ. Giờ chủ nợ tìm tới cửa đòi tiền.”
“Mày điên hả? Đã bảo đầu tư với tao từ lâu mà không nghe. Anh em nhiều năm như vậy tao sẽ không hại gì mày. Vậy mà mày đi tin người ngoài. Mày ngu đần thế!” Giả Khoa mắng tôi xối xả rồi hỏi lại: “Thiếu người ta bao nhiêu?”
“Năm, sáu, sáu vạn.” Tôi lại nghĩ đến việc nói dối một lần nữa. Tôi biết lừa dối bạn bè rất vô đạo đức nhưng lại chẳng thể nào nói thật được, Giả Khoa sẽ hận em đến tận xương tủy mất.
“Tao có cầm trong tay nhiều vậy đâu. Mày thấy đó, tao còn phải kết hôn rồi mua nhà, mua xe tốn bao nhiêu là tiền. Vả lại Dung Dung quản tiền của tao kỹ càng lắm…” Giả Khoa khó khăn nói, tôi thấy chắc là không giúp được gì rồi.
“Thôi được rồi, coi như tao chưa nói gì. Để tao tìm người khác.”
Tôi vừa định đứng dậy thì bị Giả Khoa giữ lại: “Mày đừng vội, tao chỉ có thể giúp trước một vạn cho mày thôi.”
Hai ngày sau tôi nhận được một vạn tệ từ Giả Khoa. Giả Khoa còn nói sẽ giúp tôi nghĩ cách nhưng thật sự tôi không có ý làm phiền cậu ấy nữa. Tôi cảm kích Giả Khoa từ tận sâu trong lòng. Từ đại học đến giờ tôi chưa từng làm gì cho cậu ấy nhưng cậu ấy chưa từng từ chối yêu cầu của tôi. Tôi tin rằng giao tình của cả hai đã như sinh mệnh.
Một vạn tệ có thể duy trì được một tháng, nhưng để kéo dài mạng sống cho em thì nó vẫn không thể đủ được. Tôi vẫn phải kiếm thêm tiền. Những người quen tôi đều gạt họ cả rồi, chẳng có ai cởi mở với tôi giống như Giả Khoa nữa đâu. Tôi lại rơi vào tình cảnh khốn khó một lần nữa.
Dưới tình thế cấp bách tôi bèn gọi cho mẹ mình. Trong điện thoại tôi lấy chuyện mà mình từng dùng nó để gạt Giả Khoa nói với mẹ tôi. Bà sốt ruột vội vàng gửi cho tôi năm vạn tệ.
Cúp điện thoại đi, tôi ngồi trên ghế sô pha mà cả người cứ run bần bật. Tôi đã làm việc trái lương tâm nhất trong cuộc đời này. Tôi tự phỉ nhổ mình trong lòng: Đời này nhất định mày sẽ chết không yên lành.