Đường Xưa Mây Trắng

Chương 26: Nước Cũng Đi Lên Như Lửa





Bảy hôm sau Bụt về tới Uruvela.

Người rất vui được trở về rừng cây thanh tú với cội Bồ Đề.

Bụt nghỉ lại một buổi chiều và một đêm tại đó.

Sáng hôm sau người gặp chú bé Svastika ở bờ sông Neranjara.

Svastika thấy Bụt rất mừng.

Hai thầy trò ngồi chơi thật lâu bên bờ sông, rồi Bụt bảo Svastika đi cắt cỏ.

Người cũng học cắt cỏ với cậu bé.

Một lát sau tạm biệt Svastika, Bụt khoác áo ngoài, nâng bát vào xóm để hóa trai.Chiều hôm sau bọn trẻ rủ nhau đến thăm Bụt, Sujata và Svastika đem theo các bạn rất đông.

Các em của Svastika đều có mặt.

Bọn trẻ được gặp Bụt vui mừng khôn xiết.

Bụt kể cho chúng nghe sơ lược những gì đã xảy ra trong gần một năm qua, và Bụt hứa là khi Svastika hai mươi tuổi, Bụt sẽ cho cậu xuất gia để học đạo.

Bụt nói vào tuổi ấy Svastika đã có thể theo Bụt vì lúc ấy các em của Svastika đã lớn cả rồi.Bọn trẻ cho Bụt biết là gần nửa năm nay có một đoàn đạo sĩ Bà la môn khổ hạnh đến cư trú trong vùng.

Họ đông lắm, có tới gần năm trăm người.

Họ không cạo đầu như các vị sa môn, tóc họ kết và bới trên đầu.

Người đứng đầu tên Kassapa, rất được mọi người kính nể.

Họ theo đạo thờ cúng Thần Lửa.Sáng hôm sau, Bụt tìm tới trú sở của đạo sĩ Kassapa.

Giáo đoàn Bà la môn này cư trú ở bìa rừng phía bên kia sông.Họ sống trong những túp lều dựng bằng cành cây và lá cây.

Áo của họ được làm bằng vỏ cây.

Họ tiếp nhận các thức cúng dường của dân chúng từ các làng mạc trong vùng, nhưng họ không đi khất thực.

Họ tự nấu nướng lấy.Họ cũng chăn nuôi thú vật để ăn và cũng để cúng tế.

Dừng chân bên một túp lều, Bụt nói chuyện với các đạo sĩ Bà la môn.

Các vị này cho biết lãnh tụ của họ, tôn giả Kassapa, là một người tinh thông ba bộ kinh Vệ Đà, sống một cuộc đời đức hạnh và là người có tu có chứng.

Tôn giả Kassapa có hai người em trai, người nào cũng là tu sĩ Bà la môn cùng tu trong một môn phái, tức là môn phái Bái Hỏa, thờ Lửa như là bản chất uyên nguyên của vũ trụ.Người em trai lớn tên là Nadi Kassapa lãnh đạo một giáo đoàn ba trăm vị đệ tử, cư trú và hành đạo trên bờ sông Neranjara cách Uruvela chừng một ngày đường về hướng Bắc.

Người em thứ hai tên Gaya Kassapa lãnh đạo một giáo đoàn gồm hai trăm đệ tử, cư trú và hành đạo tại Gaya.

Tôn giả Kassapa, vì cư trú và hành đạo tại Uruvela nên được gọi là Uruvela Kassapa.


Ông rất được hai người em mình tôn kính.

Những buổi giảng đạo của ông được dân chúng địa phương đến tham dự rất đông.Các đạo sĩ Bà la môn đưa Bụt đến yết kiến tôn giả Kassapa tại tịnh xá của ông.

Tôn giả Kassapa tuổi đã lớn nhưng còn rất nhanh nhẹn và rắn rỏi.

Thấy vị sa môn còn trẻ mà đạo phong uy nghiêm, tôn giả đem lòng kính yêu ngay.

Ông tiếp Bụt như một người thượng khách.

Kassapa mời Bụt ngồi xuống trên một khúc cây cưa sẵn ngoài sân tịnh xá, và ông ngồi xuống khúc cây đối diện.

Hai người đàm đạo hồi lâu.Kassapa rất đỗi ngạc nhiên khi thấy vị sa môn ngồi trước mặt mình là một người lão thông ba bộ thánh thư Vệ Đà.Ông hoảng hốt thấy rằng có những tư tưởng trong Vệ Đà mà ông chưa nắm vững được.

Vị sa môn này đã chỉ cho ông thấy những chỗ uyên ảo nhất của các bộ Atharvaveda và Rigveda, những chỗ ông đã tưởng rằng ông hiểu mà thực ra ông chưa hiểu.

Lạ hơn nữa là khi nói tới các môn tự vựng học, ngữ nguyên học, sử truyện, văn pháp học và mười tám pháp tế tự của đạo Bà la môn, không có điều gì mà vị sa môn này không thông.Trưa hôm ấy, Bụt nhận lời thọ trai với Uruvela Kassapa.

Xếp áo ngoài lại thành bốn để trải thành tọa cụ trên bờ cỏ, Bụt ngồi đoạn nghiêm thọ trai trong im lặng.

Kassapa thấy đạo phong uy nghiêm của người thì rất cảm phục.

Ngồi bên vị khách sa môn, ông cũng giữ sự im lặng đoan trang để thọ trai.Chiều hôm ấy, trong khi đàm đạo với Kassapa, Bụt hỏi:– Này hiền giả, hiền giả hãy nói cho tôi biết tại sao thờ Thần Lửa lại có thể đem lại cho ta sự giải thoát?Tôn giả Uruvela Kassapa giữ im lặng một lát.

Ông biết rằng đối với vị sa môn có trí tuệ xuất chúng này, ông không thể trả lời một cách khinh xuất và dung thường được.

Ông ta đã chinh phục được hàng trăm người theo môn phái ông, nhưng ông biết chinh phục được vị sa môn này là một điều rất khó.Kassapa bắt đầu nói về lửa như là bản chất uyên nguyên của vũ trụ.Lửa có nguồn gốc từ Phạm Thiên, nghĩa là từ Brahma, vì vậy trong các hỏa viện, nghĩa là trong điện thờ chính của giáo phái Bái Hỏa, luôn luôn hình tượng của Phạm Thiên được đặt vào vị trí trung ương.Kinh Atharvaveda có nói về phép thờ Lửa.

Lửa là sự sống.

Nếu không có lửa thì không có sự sống.

Lửa là ánh sáng, là hơi ấm, là nguồn năng lượng làm phát sinh ra cây cối, muông thú, và con người.

Lửa phá tan bóng tối, phá tan sự lạnh lẽo, đem tới nguồn vuivà sự sinh trưởng của vạn vật.

Thức ăn nhờ lửa mà được tịnh hóa.Con người nhờ lửa mà trở về và hợp nhất được với thiên chủ Brahma vậy.

Thần Lửa Agni cũng chỉ là một trong muôn ngàn biểu hiện như có hai cái đầu: một đầu biểu trưng cho lửa của nhật dụng và một đầu biểu trưng cho lửa của sự tế lễ và của sự trở về nguyên thể.

Có tới bốn mươi bốn phép tế lửa.

Người đạo sĩ phái Bái Hỏa phải giữ giới, phải khổ hạnh và phải chuyên cần tu tập mới có đủ tư cách duy trì và làm sáng tỏ con đường giải thoát.Đạo sĩ kịch liệt chống lại những tu sĩ Bà la môn thường lợi dụng giai cấp và địa vị mình để sống giàu sang và đắm mình trong dục lạc.

Ông nói những vị Bà la môn đó đã xem công việc đọc kinh như một phương tiện giúp họ sống giàu có và như vậy là làm đánh mất giá trị của truyền thống đạo đức Bà la môn.Bụt hỏi:– Tôn giả Kassapa, ngài nghĩ thế nào về những người cho rằng nước là bản chất uyên nguyên của sự sống, nước bắt nguồn từ Phạm Thiên, và nước có công năng tịnh hóa con người, giúp con người trở về hợp nhất với Phạm Thiên?Kassapa im lặng.

Ông nghĩ tới hàng trăm vạn người, ngay trong giờ khắc này, đang tắm mình trong nước sông Hằng và trong những dòng sông được xem là linh thiêng khác, mong rửa sạch được mọi tội lỗi và nghiệp chướng để sau này có thể trở về với Phạm Thiên.


Một lát sau, ông nói:– Sa môn Gotama, nước không thật sự giúp ta siêu thoát được.Nước đi xuống, trong khi lửa lại bốc lên.

Khi ta chết, thân xác ta nhờ lửa mà bay lên thành khói…– Tôn giả Kassapa, ngài nói như vậy e không đúng.

Đám mây trắng đang bay trên trời kia cũng là nước đấy, và nước cũng có thể bay lên.

Khói cũng chỉ là hơi nước.

Cả hai thứ mây và khói đều sẽ phải trở lại.

Vạn vật, như ngài đã biết, luôn luôn luân chuyển tuần hoàn.– Nhưng vạn vật có một nguyên ủy, và vạn vật có thể trở về nguyên ủy ấy.– Tôn giả Kassapa, vạn vật nương nhau mà có mặt.

Tôn giả hãy nhìn chiếc lá trong tay tôi đây.

Đất, nước, hơi nóng, hạt mầm, thân cây, đám mây, mặt trời, thời gian, không gian… đều là những nhân duyên giúp cho chiếc lá này có mặt.

Thiếu một trong những nhân duyên ấy thì chiếc lá không thành.

Tất cả các loài đất đá, thảo mộc và cầm thú đều vâng theo luật duyên sinh ấy.

Nguyên ủy của một vật là vạn vật.

Tôn giả hãy quán sát kỹ xem.

Có bao giờ một nhân mà đưa tới được quả đâu.

Nhân quả là trùng trùng.

Ý niệm về một nguyên nhân duy nhất và đầu tiên là một vọng tưởng do sự thiếu quán chiếu mà ra.

Này tôn giả, chiếc lá tôi cầm trong tay đây là do tất cả các pháp trong vũ trụ họp lại để tạo thành, trong đó có nhận thức của tôn giả.Vị đạo sĩ Bà la môn im lặng.Trời đã tối.Đạo sĩ ngỏ ý mời Bụt ngủ lại trong túp lều của ông.

Đây là lần thứ nhất vị lãnh đạo Kassapa mời một người khách ngủ lại trong túp lều của mình.

Vị sa môn này đối với ông quả thật là một người khách đặc biệt, ông muốn đem lòng tri kỷ của mình để tiếp đãi.

Nhưng Bụt ngần ngại.

Từ lâu, người đã ưa nghỉ đêm một mình.

Bụt ngỏ ý muốn được nghỉ đêm trong hỏa viện.

Vị đạo sĩ Bà la môn nói:– Mấy hôm nay, có một con rắn lớn chui vào núp trong hỏa viện, đuổi thế nào cũng không đi.

Sa môn Gotama không nên nghỉ đêm trong ấy, có thể là nguy hiểm.

Chính vì con rắn kia mà lâu nay chúng tôi phải lập tế đàn ngoài trời để hành lễ.


Xin ngài nghỉ đêm tại đây cho an toàn.Bụt nói:– Tôn giả an tâm.

Tôi muốn được nghỉ đêm trong hỏa viện.

Chắc cũng không sao.Bụt nghĩ tới những tháng ngày ngồi tu ở các nơi núi rừngcao thẵm.

Có khi thú dữ đi ruồng cả đêm mà không động tới người.

Có khi đang ngồi tĩnh tọa người trông thấy những con rắn thật lớn bò ngang qua trước mặt.

Bụt biết là nếu mình cẩn thận đừng làm cho các loài này hoảng sợ thì chúng sẽ không động tới mình.Thấy Bụt đã nhất quyết, Kassapa nói:– Sa môn Gotama đã muốn nghỉ đêm tại hỏa viện thì xin cứ tự tiện.

Ngài muốn ở đó bao lâu cũng được.Đêm ấy, Bụt nghỉ trong hỏa viện.

Trên bàn thờ trung ương, lửa được nuôi bằng nhiều chiếc đèn, mỗi đèn có nhiều bấc.

Góc bên trái chất nhiều khúc cây lớn, có lẽ là những khúc gỗ quí dùng để đốt lửa bên ngoài mỗi khi hành lễ.

Bụt nghĩ nếu có một con rắn cư trú trong hỏa viện thì con rắn ấy có thể ẩn nấp trong đống gỗ.

Người chọn góc đối diện, xếp áo cà sa ngoài thành bốn, trải xuống làm tọa cụ và bắt đầu tĩnh tọa.

Khi Bụt ngừng tĩnh tọa thì trời đã khuya.

Dưới ánh đèn mờ, Bụt thấy một con rắn thiệt lớn nằm khoanh tròn giữa hỏa viện, trước mặt người.

Bụt lên tiếng nhỏ nhẹ như là để tự nói với mình.– Rắn ơi, con hãy đi ra ngoài rừng cho an ổn.Giọng nói của Bụt chứa đầy tình thương và sự hiểu biết.

Con rắn từ từ trườn đi, hướng về phía cửa, Bụt cũng ngả lưng xuống tọa cụ.Khi Bụt thức giấc thì ánh trăng khuya chênh chếch chiếu vào nơi người nằm.

Trăng mười tám thật sáng.

Bụt muốn đi ra ngoài rừng để thiền hành.

Người ngồi dậy, cuốn áo, rũ bụi rồi khoác áo lên người và đi ra khỏi hỏa viện.Vào lúc trời tang tảng sáng thì hỏa viện bốc cháy, không biết vì lý do gì.

Các vị đệ tử của đạo sư Kassapa thấy lửa đều hoảng hốt la lớn.

Mọi người chạy đi tìm bình xuống sông múc nước để tưới, nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu.

Nước thì ít, lửa thì nhiều.

Cuối cùng hàng trăm người đều đứng ngẩn ra nhìn.

Hỏa viện của họ bốc cháy dữ dội, không có cách gì cứu chữa nổi.Đạo sĩ Uruvela Kassapa có mặt trong đám mấy trăm người ấy.

Ông thương tiếc vị sa môn đức hạnh và tài ba mà ông vừa mới được làm quen từ sáng ngày hôm qua.

Nếu sa môn Gotama nhận lời nghỉ đêm trong tịnh xá của mình thì bây giờ đâu đến nỗi này.Giữa lúc ấy thì Bụt xuất hiện.

Đang đi thiền hành trên đồi cao, người trông thấy lửa, và người đã trở về.Thấy Bụt, đạo sĩ Kassapa mừng quá chạy lại và nắm lấy tay người.– May quá, may quá, sa môn Gotama vẫn an toàn, không sao cả.

Tôi mừng lắm.Bụt trao bình bát của mình cho một vị tu sĩ trẻ cầm giúp, rồi đặt tay lên vai vị đạo sĩ Bà la môn:– Cám ơn tôn giả, tôi vẫn được an toàn.Bụt biết hôm nay là ngày đạo sĩ Uruvela Kassapa thuyết pháp.

Nghe nói trong số những người nghe pháp, ngoài năm trăm vị đệ tử tu sĩ, sẽ còn có gần một ngàn người từ các thôn xóm kéo tới.Giờ thuyết pháp được định vào buổi trưa, ngay sau giờ thọ trai.


Biết rằng sự có mặt của mình trong buổi thuyết pháp sẽ làm cho vị lãnh đạo mất bớt vẻ thoải mái, sáng ấy Bụt mang bát đi vào thôn xóm để khất thực.Khất thực xong, người đi về phía hồ sen.

Ngồi bên bờ sông, người thọ trai và ở lại đó.

Đến xế chiều thì đạo sĩ Kassapa tìm tới, Kassapa đã đi tìm Bụt sau giờ thọ trai và thuyết pháp.

Vị đạo sĩ nói:– Sa môn Gotama, hôm nay vào giờ ăn trưa chúng tôi chờ mãi không thấy ngài.

Chúng tôi đã dọn sẵn cơm để cúng dường.

Tại sao ngài không tới?Bụt nói với Kassapa là người muốn vắng mặt trong buổi thuyết pháp.– Tại sao sa môn Gotama lại muốn không có mặt trong buổi tôi thuyết pháp?Bụt mỉm cười rất nhẹ, và người không nói gì.Vị đạo sĩ Bà la môn cũng nín thinh.

Ông thấy vị sa môn này biết được sự suy tư của ông.Vị sa môn thật vừa thông minh vừa tế nhị.

Hai người ngồi bên bờ hồ để đàm đạo.Đạo sĩ Kassapa hỏi Bụt:– Hôm qua sa môn Gotama nói về sự có mặt của chiếc lá như là sự tập họp của nhiều yếu tố nhân duyên.

Ngài nói rằng con người cũng do sự tập họp của nhân duyên mà có mặt.

Vậy khi các nhân duyên tan rã, con người đi về đâu?Bụt nói:– Đã từ lâu chúng ta bị kẹt vào ý niệm atman, nghĩa là ý niệm về một cái ta thường tại bất biến.

Chúng ta đã quen nghĩ rằng khi thân xác ta tan rã, cái ngã ấy vẫn còn tồn tại và có thể trở về với nguồn gốc của nó là Phạm Thiên để mà cộng trú với ngài.

Này tôn giả Kassapa, đó là một sai lầm căn bản đã từng làm lạc lối biết bao nhiêu thế hệ.Tôn giả Kassapa nên biết: vạn pháp từ nhân duyên mà sinh và cũng do nhân duyên mà diệt.

Cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này vắng mặt vì cái kia vắng mặt, cái này sinh ra vì cái kia sinh ra, cái này ẩn diệt khi cái kia ẩn diệt.

Đó là đạo lý duyên sinh mầu nhiệm mà tôi đã khám phá được bằng thiền quán.

Trong thực tại, không có một cái gì đồng nhất và bất biến, không có ngã, dù là đại ngã hay tiểu ngã.

Này tôn giả Kassapa, ngài đã từng quán chiếu về thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức chưa? Con người có mặt là do sự tập hợp và vận hành của năm uẩn ấy.

Đó là những dòng biến chuyển liên tục, trong đó không có một yếu tố nào thường tại.Đạo sĩ Kassapa im lặng hồi lâu.

Một lát sau, ông hỏi:– Như vậy người ta có thể nói sa môn Gotama chủ trương thuyết hư vô không?Bụt mỉm cười lắc đầu:– Không.

Ý niệm về hư vô cũng là một loại tà kiến trong rừng tà kiến dày đặc.

Ý niệm về hư vô cũng tai hại như ý niệm về một bản ngã đồng nhất và bất biến.

Tôn giả Kassapa, ngày hãy nhìn mặt hồ Anotatta đây.

Tôi không hề nói rằng nước hồ và những lá sen, hoa sen và gương sen trong hồ là hư vô.

Tôi chỉ nói rằng nước hồ, cũng như lá sen, hoa sen và gương sen đều là những hiện tượng do nhân duyên phối hợp và có mặt, và trong tư thể của chúng không hề có một thực thể bất biến và thường tại.Kassapa ngửng lên nhìn vào mặt Bụt:– Vậy nếu không có ngã, không có atman, thì cần gì phải tu hành để đạt tới giải thoát? Giải thoát cho ai, và ai là người được giải thoát?Bụt nhìn vào mắt vị đạo sĩ Bà la môn.

Cái nhìn của người sáng chói như những tia sáng mặt trời nhưng cũng êm dịu như ánh trăng, và người nói, với một nụ cười:– Tôn giả Kassapa hãy thử tự tìm lấy câu trả lời.

Hôm khác, ta sẽ tiếp tục câu chuyện.Hai người trở về trú sở.

Uruvela Kassapa nhường tịnh xá của mình cho Bụt nghỉ đêm.

Ông sang nghỉ đêm tại túp lều của một người đệ tử lớn.

Bụt nhận thấy vị đạo sĩ Bà la môn này rất được các đệ tử quý mến, người nào cũng vâng lời tôn giả Kassapa một cách cung kính..



Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.