Cuộc Sống Ở Nhà Máy Những Năm 80

Chương 21



Biên tập: Sabi

Beta: Qin Zồ

Tôn Biền vốn cho rằng mình có thể dành cả kỳ nghỉ hè nhàn nhã ở nhà bà ngoại, chờ tới trước hôm báo tin khai giảng một ngày thì về nhà, để thu dọn mấy món đồ cần dùng khi đi học.

Thế nhưng ai mà ngờ ngày thứ hai mới từ nhà dì về, mẹ cô lại trở về nhà ngoại, bảo là muốn đón hai chị em về nhà.

Ông ngoại và bà ngoại Điền luyến tiếc không nỡ xa hai đứa cháu, vừa thu dọn đồ đạc cho hai đứa vừa nói với con gái: “Dù sao vẫn còn cách hôm khai giảng hơn mười ngày, cứ để bọn nhỏ ở đây vài bữa đi.”

“Mẹ, Thúc Minh mấy hôm nay không ở nhà, Tiểu Tuấn cả tuần này lại phải trực ca đêm liên tục với thầy mình. Ban đêm trong nhà chỉ còn lại mình con, vắng vẻ quá chẳng quen tý nào, thế nên con mới muốn đón hai đứa về với mình.”

“Thúc Minh không ở nhà à, có phải lại đi công tác với quản đốc không?” Bà ngoại Điền đang sắp xếp túi sách cho cháu ngoại nghe thế mới đáp.

“Nếu được đi công tác thì còn tốt, ít nhất có thể tổ chức cuộc họp, đi thăm thú khắp nơi với lãnh đạo không cần nhọc lòng. Anh ấy bị cục công an trong thành phố kêu đi cơ.”

“Cục công an? Kêu Thúc Minh đi làm gì?” Nghe nói con rể bị công an kêu đi, ông ngoại Điền vốn đang ngồi trên đầu giường sưởi chuẩn bị châm tẩu thuốc cũng biến sắc, không nhịn được liền mở miệng hỏi con gái.

“Bảo là cấp trên đưa văn kiện xuống, phải phối hợp triển khai một hoạt động trấn áp nghiêm khắc tội phạm phạm pháp. Mỗi ban An ninh của các đơn vị trong thành phố đều phải cử người đi tham gia hội nghị, tiếp thu tôn chỉ văn kiện đồng thời phối hợp với công tác của ngành công an.”

“À, trấn áp tội phạm phạm pháp à, đúng là phải phối hợp. Tác phong và nếp sống không lành mạnh trong xã hội đã bắt đầu manh nha, đúng là phải cố gắng trấn áp một chút, để quần chúng nhân dân làm chủ.” Ông ngoại Điền vừa nghe bên con rể lớn nói có người cướp giật thì mới nói như thế.

Điền Thục Lệ thu dọn quần áo con gái nghe vậy có hơi cúi đầu, nhỏ giọng nới với bố mẹ mình: “Bố, mẹ, con nghe Thúc Minh bảo là hoạt động lần này không nhỏ đâu, bố nên nói với bác cả đi, nhất định phải quản thúc mấy người trong đội của thôn cho tốt, tuyệt đối đừng gây rủi ro đúng lúc này.”

Anh họ lớn của ông ngoại Điền, cũng chính là người Tôn Biền gọi ông bác cả, là thôn trưởng của thôn nhà họ Điền, cũng là đại đội trưởng đại đội sản xuất thứ nhất công xã Chấn Hưng. Trên cơ bản mấy chuyện dưới thôn của mỗi nhà mỗi hộ trong đại đội ông đều phải quản.

“Con yên tâm, đại đội chúng ta không có cái loại người không đàng hoàng đó đâu, cho dù có mấy đứa hơi làm biếng, vô liêm sỉ thì cũng không dám làm chuyện vi phạm kỷ luật, bọn nó không có gan ấy.”

“Bố, bố vẫn nên báo trước một tiếng đi, cũng để bác cả chuẩn bị tâm lý tốt. Con đoán sau khi thành phố mở hội nghị cho các bộ phận An ninh xong thì huyện sẽ đốc thúc việc trị an ở từng thị trấn, công xã và còn cả đại đội, cảnh sát giúp đỡ và đảm bảo các chủ nhiệm đi học tập tiếp thu tinh thần.”

“Thế à, được, đợi tiễn mấy đứa về xong bố sẽ tới nhà bác con nhắc nhở đôi câu.”

Không nỡ để con gái và hai cháu đi, ông ngoại Điền mắc xe tiễn bọn họ về nhà.

Nửa đường, xe lừa và một người đàn ông trung niên mặt đen chạy xe đạp đeo cái sọt đằng sau thoáng gặp nhau. Phỏng chừng ông ngoại quen ông ấy, lúc hai người chạy song song trên con đường đất, ông còn nói nhiều câu với bác mặt đen đó.

Tôn Biền dựa vào bên phải phía sau xe lừa đang buồn ngủ, chẳng thể trách cô tham ngủ được, thật sự kỹ thuật đánh xe của ông ngoại quá tốt, dù xe có cảm giác lung la lung lay thì cũng không hề quá xóc nảy. Có điều tiết tấu nâng lên hạ xuống này, thật là cực kỳ có tác dụng thôi miên.

Ngay khi đang nửa tỉnh nửa mê, Tôn Biền nghe có tiếng đang nói chuyện với ông ngoại mình, nhấc mí mắt lên liếc một cái, thấy không quen biết cô lại rũ mắt xuống định ngủ tiếp.

Nhưng khi ánh mắt cô vòng qua người đàn ông lái xe ra cái sọt đằng sau, Tôn Biền tình cờ trông thấy một thứ, món đó đã gợi nên hứng thú trong cô, khiến cô lập tức hết cơn buồn ngủ.

“Chú ơi, cái cuộn tranh trong sọt chú có thể cho cháu xem thử không?”

Ông ngoại Điền ngồi đằng trước đánh xe, đột nhiên nghe cháu gái ngồi phía sau nói vậy mới giật mình quay đầu ngay, chỉ thấy cô cháu vốn đàng hoàng ngồi trong xe lừa lúc này đang nửa ngồi nửa quỳ, nửa thân trên thò ra nhìn về phía thằng ba Chương hỏi.

Chú ba Chương lái xe đạp cũng rất kinh ngạc, ông thắng xe lại, sau khi dừng mới mở miệng hỏi: “Bé à, cháu muốn xem cái gì trong sọt chú?”

“À, chính là cái cuộn tranh kia, chú có thể cho cháu xem thử không?”

Chú ba Chương nghe thế liền nhìn ông ngoại Điền đánh xe, ngoại đã dừng xe lừa lại thì nhìn con gái út mình.

Điền Thục Lệ lúc này vừa nhích tới bên cạnh con gái, cau mày hỏi: “Tiểu Biền con muốn làm gì đó? Không có chuyện gì thì đừng làm loạn, chú còn phải đi đường nữa.”

“Mẹ, con không có làm loạn, con chỉ muốn xem thử cái cuộn tranh trong sọt của chú là món gì thôi.”

“Con nhìn mấy cái đó làm gì? Con cũng đâu có học vẽ tranh?”

“Bà ngoại biết vẽ nha, ngoại vẽ đẹp lắm, bà thích mấy thứ này nhất.”

Bà ngoại Tôn Biền cầm kỳ thi họa đều tinh thông, nhưng am hiểu nhất lại là tranh Trung Quốc. Hồi ấy điều kiện không cho phép, thế nên bốn đứa nhỏ nhà họ Điền chẳng ai học được bản lĩnh của ngoại cả, tới thế hệ cháu cũng như vậy.

Trong đám cháu nhà họ Điền, người bà ngoại thích nhất chính là Tôn Biền. Trước đây cũng đã từng có ý muốn dạy bảo cô, đáng tiếc ngộ tính của bản thân Tôn Biền quá kém, đàn học không được, đánh cờ vây còn chưa được nửa ván là đã chết hết, tất cả mọi thứ đều chỉ học được sơ sơ, cuối cùng luyện được mỗi tay viết thư pháp coi như không tệ.

Nhưng nhiều năm hun đúc bên cạnh bà cụ vẫn còn có chút tác dụng, ít nhất mấy món thường thấy bà dùng hoặc xem, cô vẫn có ít khả năng giám định và thưởng thức vật phẩm.

Mặc dù chỉ vừa tình cờ liếc mắt một cái, nhưng Tôn Biền đã cảm nhận ngay được sự khác biệt trong nguyên liệu mà bức tranh cuộn gỗ kia sử dụng.

Cái màu nâu sẫm với lớp bóng tự nhiên qua năm tháng kia, chắc chắn loại gỗ bình thường hay đồ mới không thể có vẻ ngoài như vậy được.

Ông ngoại Điền vừa nghe nói có thể là đồ bạn già thích, cũng hứng thú ngay, ông cầm roi da nhảy từ trên xe lừa xuống, vài bước đã đi tới chỗ ông chú mặt đen chạy xe đạp nói: “Chú ba, cháu ngoại bác muốn xem cái gì thì cháu lấy cho nó xem thử đi, nếu bé nó thích thì cháu còn bớt được ít sức.”

Chú ba Chương nghe thế cũng không lề mề nữa, gác chống xe xuống cho xe dừng hẳn, lục mấy đồ trong sọt ra hết cho Tôn Biền nhìn.

Đồ trong sọt bác ba Chương rất lẫn lộn, có mấy món lặt vặt như bình lon, mẩu sắt vụn, vỏ kem đánh răng các kiểu, còn được buộc chặt chung với bìa cứng, báo bỏ đi, sách vở vân vân.

Tôn Biền vừa nhìn mấy thứ này là biết, hẳn đây là người đang nông nhàn đi khắp hang cùng ngõ hẻm dưới thôn thu mua ve chai, sau đó đưa phế phẩm đi bán cho tiệm thu mua ve chai trong thành phố, từ đó người trung gian kiếm được ít tiền chênh lệch.

Mấy người này ở nông thôn rất nhiều, bởi không có ai quản lý vì lòng tham và phiền toái, ngày xưa còn trốn tránh, chứ bây giờ vô cùng quang minh chính đại.

Tôn Biền không có hứng thú với mấy thứ vụn vặt thượng vàng hạ cám kia, thứ cô thấy cuốn hút nhất chính là cuộn tranh được lấy ra từ trong sọt.

Vừa cầm cuộn tranh trên tay, cô đã phải nhíu mày, trĩu nặng lại có hơi đau nữa, đây cũng chẳng phải mật độ trọng lượng gỗ bình thường.

Nhìn vẻ mặt của ông ngoại, vậy mà ông cũng đang nhìn thanh gỗ của cuộn tranh, đương nhiên cũng có chút hứng thú với cái này.

Thứ có thể làm một lão thợ mộc hứng thú nhất định có chỗ độc đáo riêng, mà đã trang hoàng đến đẳng cấp này, đồ bên trong hẳn là cũng không phải vật bình thường.

Mở ra là một tranh ngang dài, nội dung được vẽ bên trong là một đàn tôm theo phong cách thủy mặc.

Dù năng lực giám định và thưởng thức mới chỉ coi là mới cưỡi ngựa xem hoa thôi, nhưng Tôn Biền cũng không cưỡng được mà giơ ngón tay cái lên vì đám tôm vẽ mực tàu trong bức tranh.

Chỉ thấy đàn tôm trong tranh có dáng vẻ sống động như thật, vẻ mặt hoạt bát linh động, mực nhạt thể hiện triệt để thân hình óng ánh của tôm, dùng mực đậm vẽ mắt tôm bằng nét chấm thẳng, vẽ đầu tôm bằng nét ngang, từng nét truyền thần, vẽ nét mảnh ở râu, móng vuốt, càng, cứng mềm cùng hiện hữu, đưa sự linh động, nhạy bén, hoạt bát và sức sống của tôm xuyên thấu qua trang giấy truyền đạt cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng bức hoạ này.

Hạ bút thành vàng, đây chính là tác phẩm của bậc thầy mà bà ngoại thường nói nhỉ. Không phải chuyên gia đắm chìm trong giới thi họa nhiều năm, nhất định sẽ không thể có được bút lực và trình độ đến nhường này.

Bên dưới góc phải bức tranh có ghi chữ Bạch, đề lạc khoản, trên viết lão Bạch Thế* tám mươi bảy tuổi, phía dưới thì có một con dấu vuông màu đỏ.

*Tác giả trại theo tên của ngài Tề Bạch Thạch (1864 – 1957), ông là một họa sĩ tranh Trung Quốc thời cận đại, thường được gọi là Bạch Thạch.

Ngài Bạch Thế? Là vị mà cô biết sao?

Tranh tôm thủy mặc của ngài Bạch Thế? Có thật hay không đấy?

Hết chương 21.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.